UBND HUYỆN THUỶ NGUYÊN PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ---------------- ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI MÔN: NGỮ VĂN 9 Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề) Câu 1 (3 điểm) Bạn về có nhớ ta chăng, Ta về nhớ bạn như trăng nhớ trời Viết một bài văn ngắn không quá hai trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ hai câu thơ trên. Câu 2: (7 điểm) Sống trong đời sống Cần có một tấm lòng Để làm gì em biết không? ( Trịnh Công Sơn) Hãy tìm câu trả lời trong các văn bản " Mùa xuân nho nhỏ"- Thanh Hải ; " Lặng lẽ Sa Pa"- Nguyễn Thành Long ( Sách ngữ văn 9, tập 1) ----------------------------------------------- UBND HUYỆN THUỶ NGUYÊN PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ---------------- HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG MÔN: NGỮ VĂN 9 Câu1(3đ) * Yêu cầu kĩ năng Bài viết có bố cục rõ ràng, lập luận thuyết phuc. Văn viết lưu loát, giàu cảm xúc. Khuyến khích những bài viết có sự sáng tạo trong cách viết, có suy nghĩ sâu sắc. * Yêu cầu nội dung Xác định được rõ vấn đề nghị luận: Tình bạn trong cuộc sống. - Xây dựng một văn bản phải đảm bảo nội dung sau: -Trong đời sống tinh thần của con người,có rất nhiều tình cảm thiêng liêng như tình cha con,tình thầy trò,bạn bè...Nhu cầu về tình bạn là nhu cầu cần thiết và quan trọng,vì vậy mà trong ca dao có nhiều câu,nhiều bài rất cảm động về vấn đề này : Bạn về có nhớ ta chăng, Ta về nhớ bạn như trăng nhớ trời - Có những tình bạn lưu danh muôn thuở trong văn chương như Lưu Bình với Dương Lễ,như Nguyễn Khuyến với Dương Khuê...Trong cuộc sống xung quanh ta cũng có rất nhiều tình bạn đẹp. - Vậy thế nào là một tình bạn đẹp ? Theo tôi,trước hết đó phải là một tình cảm chân thành trong sáng,vô tư và đầy tin tưởng mà những người bạn thân thiết dành cho nhau.Tình bạn bước đầu thường được xây dựng trên cơ sở cảm tình nhiều hơn .Trong số bạn bè chung trường,chung lớp,ta chỉ có thể chọn và kết thân với một vài người.Đó là những người mà ta có thiện cảm thực sự,hiểu ta và có chung sở thích với ta,mặc dù là cùng hoặc không cùng cảnh ngộ. - Tình bạn trong sáng không chấp nhận những toan tính nhỏ nhen,vụ lợi và sự đố kị hơn thua.Hiểu biết,thông cảm và sẵn sàng chia sẻ vui buồn sướng khổ với nhau,đó mới thực sự là bạn tốt.Còn những kẻ : Khi vui thì vỗ tay vào. Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai, thì không xứng đáng được coi là bạn. - Một tình bạn đẹp phải biết thông cảm chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn để cùng tiến bộ. * Thang điểm + Điểm 3: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở trên, nắm chắc vấn đề và phương pháp, giải quyết đúng hướng, phân tích rõ trọng tâm; văn giàu chất tư duy, liên hệ chân thành, tinh tế. + Điểm 2, : Bài làm tỏ ra hiểu yêu cầu đề, giải quyết đúng hướng, có những phân tích và phát hiện sâu sắc, tuy nhiên có thể chưa thật toàn diện và sáng tạo. Cảm xúc chân thành, liên hệ khá tốt. + Điểm 1: Bài làm đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, hiểu định hướng, lý giải khá rõ, một số ý còn chưa thật mạch lạc nhưng có một số phát hiện nhất định. Cảm xúc chân thành. + Điểm 0: Bài lạc đề . GVcăn cứ vào bài làm cụ thể của học sinh để cho điểm chính xác. Câu2( 7 điểm) *Yêu cầu kĩ năng Bài văn nghị luận, xây dựng được luận điểm rõ ràng, luận cứ thuyết phục, làm rõ trọng tâm của đề. Có sáng tạo trong cách viết. Văn phong rõ ràng, khúc triết. *Yêu cầu kiến thức - Bài viết đảm bảo những ý cơ bản sau: a, Phần mở bài: - Trong văn học cũng như trong đời sống, con người " Cần có một tấm lòng" - Tấm lòng của sự cống hiến một mùa xuân của bản thân mình, sự hi sinh quên mình lao động một cách thầm lặng nơi mây mù bao phủ để xây dựng quê hương đất nước - Câu trả lời cống hiến để làm gì được thể hiện rõ qua hai văn bản: Mùa xuân nho nhỏ- thanh Hải, và Lặng Lẽ Sa Pa- Nguyễn Thành Long. - Dẫn lời thơ của Trịnh Công Sơn b, Phần thân bài: Làm rõ sống trong đời, cần có một tấm lòng, để làm gì: * Mùa xuân nho nhỏ: Sống trong đời, cần có một tấm lòng. Biết dâng hiến cuộc đời mình cho mùa xuân của đất nước +Từ cảm xúc mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của đất nước. Tác giả ước nguyện được hóa thân: - Làm con chim gọi mùa xuân về đem niềm vui cho mọi người - làm cành hoa tô điểm cuộc sống, làm đẹp cho thiên nhiên - Làm nốt trầm hòa ca xao xuyến lòng người => Hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho vẻ đẹp, niềm vui, tài trí của đất nước, con người Việt nam +Từ cảm xúc mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của đất nước. Tác giả ước nguyện dâng hiến phục vụ cho đời: - Làm một mùa xuân nho nhỏ để góp vào mùa xuân bất diệt của đất nước. Đó là ước nguyện chân thành, giản dị, nhưng có ý nghĩa lớn lao. - Nghệ thuật: ẩn dụ, điệp ngữ..... * Lặng lẽ Sa Pa: Sống trong đời, cần có một tấm lòng . Đó là sự quên mình trong lao động thầm lặng để xây dựng quê hương đất nước. + Những con người bình thường, lặng lẽ làm việc miệt mài cho đất nước. Họ cống hiến thầm lặng, hết mình để phục vụ chiến đấu, để xây dựng quê hương đất nước.... + Họ là những người vô danh. Nhưng chung một tấm lòng nhiệt huyết là lao động quên mình cho đất nước rất đáng trân trọng và đáng kính phục... + ở đó có anh thanh niên, ông hoạ sĩ già, bác lái xe vui tính, cô kĩ sư trẻ... tiêu biểu là anh thanh niên. ( Hãy phân tích những đức tính và sự cống hiến quên mình của mỗi nhân vật, phân tích sâu sắc về nhân vật anh thanh niên) + Những con người lao động ở Sa Pa là những tấm gương lao động cho mọi thế hệ Việt nam noi theo. và đặc biệt như lời ca thúc dục thế hệ trẻ hãy cống hiến hết mình vì để xây dựng đất nước + Nghệ thuật của hai tác phẩm * Khẳng định hai tác phẩm đều thể hiện: Sống trong đời, cần có một tấm lòng. Đó là sự dâng hiến cuụoc đời mình vào mùa xuân của đất nước, sự quên mình trong lao động thầm lặng để xây dựng quê hương đất nước. c, phần kết bài: - Khái quát nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm và khẳng định ý nghĩa về nhận định của Trịnh Công Sơn - Một vài suy nghĩ của bản thân. * Thang điểm + Điểm 7: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở trên, nắm chắc vấn đề và phương pháp, giải quyết đúng hướng, rõ trọng tâm; văn giàu chất tư duy, có nhiều phát hiện sâu sắc, sáng tạo; liên hệ chân thành, tinh tế. + Điểm 5, 6: Bài làm tỏ ra hiểu yêu cầu đề, giải quyết đúng hướng, có những phân tích và phát hiện sâu sắc, tuy nhiên có thể chưa thật toàn diện và sáng tạo. Cảm xúc chân thành, liên hệ khá tốt. + Điểm 3,4: Bài làm đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, hiểu định hướng, lý giải khá rõ, một số ý còn chưa thật mạch lạc nhưng có một số phát hiện nhất định. Cảm xúc chân thành. + Điểm 2: Bài làm tỏ ra chưa hiểu yêu cầu đề,về phương pháp sa vào phân tích tác phẩm thuần tuý. Liên hệ tạm được. + Điểm 1: Bài lạc đề về phương pháp, không liên hệ được gì. GV tùy vào bài làm cụ thể của học sinh để cho điểm chính xác. ------------------------------------------
Tài liệu đính kèm: