Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 (năm học 2015- 2016) môn Ngữ văn - Trường THCS Thanh Văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1423Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 (năm học 2015- 2016) môn Ngữ văn - Trường THCS Thanh Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 (năm học 2015- 2016) môn Ngữ văn - Trường THCS Thanh Văn
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH VĂN
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
(Năm học 2015- 2016)
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian: 150 phút
A. Đề bài
Câu 1. Em hãy tìm và phân tích hiệu quả thẩm mĩ của các phép tu từ trong đoạn thơ sau:
“Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
(Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận - Ngữ văn 9, tập 1)
Câu 2. Suy nghĩ của em về hành động của cậu bé trong câu chuyện dưới đây:
Tôi đang dạo bộ trên bãi biển khi hoàng hôn buông xuống. Biển đông người nhưng tôi lại chú ý đến một cậu bé cứ liên tục cúi xuống, nhặt thứ gì lên và ném xuống. Tiến lại gần hơn, tôi chú ý thấy cậu bé đang nhặt những con sao biển bị thuỷ triều đánh dạt vào bờ và ném chúng trở lại với đại dương.
- Cháu đang làm gì vậy? - Tôi làm quen.
- Những con sao biển này sắp chết vì thiếu nước. Cháu phải giúp chúng - Cậu bé trả lời. 
- Cháu có thấy là mình đang mất thời gian không. Có hàng ngàn con sao biển như vậy. Cháu không thể nào giúp được tất cả chúng. Rồi chúng cũng sẽ phải chết thôi.
Cậu bé vẫn tiếp tục nhặt một con sao biển khác và nhìn tôi mỉm cười trả lời:
- Cháu biết chứ. Nhưng cháu nghĩ cháu có thể làm được điều gì đó. Ít nhất là cháu đã cứu được những con sao biển này.
(Theo Hạt giống tâm hồn - Từ những điều bình dị, 
NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh).
Câu 3.
“Một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc chính là xây dựng thành công tình huống truyện và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật”.
Bằng những hiểu biết của em về văn bản Làng của nhà văn Kim Lân, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
- Hết -
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH VĂN
ĐÁP ÁN THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
MÔN NGỮ VĂN
Câu 1.(4đ)
Học sinh nhận biết khai thác hiệu quả các biện pháp tu từ, hiểu đúng nội dung của đoạn thơ, vận dụng các kĩ năng lập luận, viết đoạn, đọc hiểu làm rõ niềm vui thắng lợi của người dân chài hoà nhập với thiên nhiên, một rạng đông tươi đẹp, một ngày mới bắt đầu. 
Các biện pháp nghệ thuật có trong khổ thơ:
- Biện pháp nhân hoá: đoàn thuyền và mặt trời.(1đ)
 ->Hiệu quả thẩm mĩ: Hoà cùng tâm trạng hồ hởi của con người đoàn thuyền lướt sóng như dành lấy thời gian để nhanh chóng trở về bến. Mặt trời thì tráng lệ, huy hoàng khởi sắc hoà nhịp cùng cuộc sống khẩn trương, náo nức.(1đ)
- Hình ảnh hoán dụ: mắt cá huy hoàng(1đ)
 ->Hiệu quả thẩm mĩ: là hình ảnh giàu ý nghĩa miêu tả muôn triệu mắt cá li ti phản chiếu ánh sáng rạng đông huy. Hơn thế nó còn gián tiếp thể hiện niềm vui của con người trong công cuộc lao động mới, trong niềm hạnh phúc được mùa, ấm no. Sóng biển cát vàng lấp lánh đồng hành cùng muôn triệu mắt cá trải dài trải rộng trên muôn dặm biển khơi.(1đ)
Câu 2.(6đ) Thí sinh đảm bảo yêu cầu của về:
A. Về kĩ năng (2đ)
- Học sinh tự lựa chọn kiểu văn bản, phương thức biểu đạt, phương thức lập luận phù hợp.
- Đảm bảo bố cục ba phần.
- Bài viết mạch lạc, lập luận thuyết phục, lời văn trong sáng, giàu hình ảnh, biểu cảm, không suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
B. Về kiến thức(4đ)
Các em có thể trình bày theo nhiều cách, có thể gồm những ý cơ bản sau:
1. Hành động giúp đỡ những con sao biển để chúng trở về với biển cả của cậu bé tuy nhỏ nhặt, bình thường, chẳng mấy ai quan tâm nhưng lại là hành động mang nhiều ý nghĩa:
- Góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường tự nhiên.(1đ)
- Thể hiện nét đẹp nhân cách của con người: Không thờ ơ, lạnh lung vô cảm trước sự vật, sự việc hiện tượng diễn ra xung quanh mình, đồng thời biết sẻ chia, giúp đỡ vật hoặc người khi gặp hoạn nạn khó khăn.(1đ)
2. Hành động của cậu bé trong câu chuyện cho ta bài học sâu sắc, thấm thía về những kĩ năng sống cần có ở mỗi con người (1đ)
- Biết yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống.
- Có thói quen làm những việc tốt, những việc có ích dù đó là những việc làm nhỏ nhặt.
3. Phê phán những hành động thiếu trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường sống cũng như lối sống thờ ơ, vô cảm trước sự vật, sự việc hiện tượng diễn ra xung quanh mình.(1đ)
Lưu ý: Khuyến khích học sinh có suy nghĩ riêng tuy nhiên phải lý giải hợp lý,thuyết phục, chân thành. Không cho điểm bài có suy nghĩ lệch lạc.
- Học sinh diễn đạt được ý song chưa thật sâu (3đ)
- Kể lể dài dòng, mắc vài lỗi diến đạt (2đ)
- Ý quá sơ sài nhiều lỗi diễn đạt, chưa thể hiện phần lớn số ý(0,75đ)
Các trường hợp khác giám khảo căn cứ bài làm và mức điểm trên để chấm sao cho hợp lý.
Câu 3.(10đ)
A. Về hình thức (2đ)
- Đảm bảo bố cục ba phần của bài văn nghị luận văn học.
- Bài viết mạch lạc, lập luận thuyết phục, lời văn trong sáng, giàu hình ảnh, kết hợp các phương pháp lập luận giải thích, chứng minh (chủ yếu) với đánh giá tổng hợp vấn đề, khả năng cảm thụ, khám phá tình huống truyện và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật hấp dẫn.
B. Về nội dung (6đ)
- Nêu được vấn đề cần nghị luận (0.5đ)
- Giải thích khái niệm: (0.75đ)
+ Tình huống truyện lặ kiện, sự việc, hoàn cảnh xảy ra hết sức bất ngờ, gay cấn. Tác giả đặt nhân vật vào sự kiện đó nhằm bộc lộ mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách nhân vật, đưa câu chuyện lên cao trào và thể hiện chủ đề, nội dung tư tưởng tác phẩm.
 + Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật: là thủ pháp tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc diễn biến tâm trạng, tâm lý của nhân vật. Thủ pháp này là yếu tố quan trọng để tạo nên một nhân vật sống động, hấp dẫn. 
- Lập luận Chứng minh sự thành công Tình huống truyện và Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong tác phẩm "Làng":
+ Tình huống bất ngờ khi ông Hai nghe tin cả làng theo giặc giữa lúc tâm trạng phơi phới nghe tin thắng trận, giữa lúc ông đang ngóng vọng, tự hào về làng.(0.25đ)
+ Tâm trạng đau xót, tủi hổ dằn vặt, day dứt, lo lắng, bế tắc, tuyệt vọng. Từ chỗ yêu làng trở nên thù làng. Đặt nhân vật vào tình huống đầy căng thẳng, thử thách nhà văn muốn bộc lộ các mối quan hệ riêng chung trong con người của nhân vật. Đưa nhân vật lên cao trào để nhân vật tự bộc lộ cách ứng xử, phẩm chất, tính cách, lòng yêu làng, yêu nước thiết tha(1.5đ)
+ Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhiều chiều, những cảm xúc, những diễn biến tâm trạng qua các mối quan hệ, qua các sự việc, tình huống nhỏ, qua trạng thái cảm xúc trực tiếp, qua đối thoại và độc thoại nội tâm(2.5đ)
=> Tình huống được giải quyết thông qua diễn biến tâm trạng nhân vật sinh động. Một người nông dân mộc mạc, giản dị cùng tình yêu làng yêu nước chân chất thật thà song để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc, lớn lao. Đây cũng là bức thông điệp về tình yêu làng xóm, yêu quê hương đất nước cho mỗi người. (1đ)
Lưu ý: Khuyến khích học sinh có suy nghĩ cách trình bày, lập luận riêng, sáng tạo. 
- Học sinh diễn đạt được ý song chưa thật sâu (4đ)
- Kể lể dài dòng, mắc vài lỗi diến đạt (2,5đ)
- Ý quá sơ sài nhiều lỗi diễn đạt, chưa thể hiện phần lớn số ý (1,5)
Các trường hợp khác giám khảo căn cứ bài làm và mức điểm trên để chấm sao cho hợp lý.
Thanh Văn, ngày 12 tháng 10 năm 2015
Duyệt của BGH Xác nhận của tổ	 Ngưởi ra đề
	 Phạm Thị Liên 

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_dap_an_HSG_van_9_TV.doc