Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ Văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1462Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ Văn
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 9 NĂM HỌC 2015 - 2016
ĐỀ CHÍNH THỨC
Môn: Ngữ văn
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm có: 01 trang
Câu 1 (4,0 điểm).
	Nhận xét về cách kết thúc "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, có ý kiến cho rằng: " Truyện kết thúc có hậu, thể hiện được ước mong của con người về sự công bằng trong cuộc đời", song có ý kiến khác lại khẳng định: " Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay cái kết lung linh kì ảo".
	Hãy trình bày suy nghĩ của em về hai ý kiến trên.
Câu 2: (6,0 điểm). 
 Trong bức thư được cộng đồng mạng cho là của một du học sinh Nhật bàn về “Văn hóa Việt” có đoạn: 
“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu bốn nghìn năm văn hiến ấy chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”.
Là một người Việt trẻ tuổi, bạn suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
Câu 3 (10 điểm).
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.”
 (Trích “Tiếng nói của văn nghệ” SGK Ngữ văn 9 tập 1– Nguyễn Đình Thi )
Em hiểu nhận định trên như thế nào? Hãy phân tích tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật để làm sáng rõ nhận định trên.
-------------------------------------------------------
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG LỚP 9. 
NĂM HỌC 2015 – 2016.
Môn: Ngữ văn.
Câu 1. (4,0đ).
- Yêu cầu về kĩ năng (1,0đ).
+ HS viết dưới hình thức bài văn ngắn, cách lập luận sáng tỏ, rõ ràng, chặt chẽ.
+ Chú ý cách dùng từ, viết câu và diễn đạt cần chuẩn xác, biểu cảm.
- Yêu cầu về nội dung:
+ Giới thiệu khái quát truyện truyền kì của Nguyễn Dữ và kết thúc của tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.
+ Nhận xét trình bày về hai ý kiến (3,0đ).
	* Ý kiến 1: Nhìn thấy giá trị nhân đạo của tác phẩm. Giống như truyện cổ tích, người tốt dù phải trải qua bao khó khăn, gian khổ, bất hạnh nhưng cuối cùng sẽ được giải oan, được trả lại phẩm giá, được hạnh phúc. Qua đó đồng tình với quan điểm của Nguyễn Dữ: chi tiết kì ảo vừa là tạo ra một kết thúc li kì, hấp dẫn và có hậu, vừa thể hiện ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao công bằng, hạnh phúc cho người lương thiện, nhất là người phụ nữ bất hạnh như Vũ Nương (1,0đ).
	* Ý kiến 2: Xuất phát từ giá trị hiện thực của tác phẩm. Sự trở về của Vũ Nương chỉ trong thoáng chốc, một ảo ảnh loang loáng, mờ nhạt giữa dòng sông cùng lời nói: " Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa" rồi biến mất là hiện thực bi kịch cuộc đời. Vũ Nương được sống sung sướng bình yên dưới thủy cung chỉ là một giấc mơ đẹp. Sự trở về gặp chồng trong chốc lát cũng chỉ là giấc mơ. Thực tế chàng-nàng vẫn âm dương đôi ngả. Khói sương đàn tràng của Trương Sinh không xóa được nỗi oan khuất của vợ. Sự ân hận muộn màng cũng không cứu vãn được hạnh phúc. Hiện thực phũ phàng bi kịch vẫn là bi kịch. Sự trở về ấy càng làm tăng thêm sức tố cáo của tác phẩm. Là lời cảnh tỉnh, sự trừng phạt đối với Trương Sinh và dư vị ngậm ngùi, bài học thấm thía cho bất cứ ai về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình (1,0đ).
+ Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau để hoàn thiện một quan điểm, cách nhìn, tạo nên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm (1,0đ)...
Câu 2: (6,0 điểm)
I .Yêu cầu chung:
1. Về kỹ năng:
 - Thí sinh thể hiện tốt kĩ năng làm văn nghị luận xã hội.
- Bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
2. Về kiến thức: 
+ Học sinh hiểu đúng ý nghĩa của nhận định. 
+ Chứng minh để làm nổi bật vấn đề cần nghị luận.
II . Yêu cầu cụ thể:
Bài làm cần đảm bảo những nội dung sau:
1. Giải thích ý kiến (2,0 điểm)
- Tự hào: là sự hãnh diện, tự tin về điều gì đó.
- Xấu hổ: cảm giác hổ thẹn vì lỗi lầm hoặc sự kém cỏi, không xứng đáng.
- 4000 năm văn hiến: là quá trình lịch sử dài lâu, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp của dân tộc.
- 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”: chỉ sự tương phản đầy nghịch lý, nhấn mạnh những truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp chỉ là lý thuyết đóng khung trong sử sách, còn thực tế đời sống không chứng minh cho truyền thống văn hoá lâu đời đó.
Ý cả câu là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi người Việt Nam: không nên ngủ quên trong quá khứ và hãnh diện về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà cần để truyền thống văn hoá tốt đẹp đó thể hiện trong thực tế cuộc sống hàng ngày.
2. Phân tích lý giải: (2,0 điểm)
2.1. Vì sao nói “thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến”? (1,0 điểm)
- Vì trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy.
- Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.
2.2. Vì sao nói “Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”? (1,0 điểm)
- Vì 4000 năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu, nhưng nó hoàn toàn là thành tựu của quá khứ. Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách, vì văn hoá của một dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại.
- Thực tế hiện nay đáng cảnh báo vì sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong lối sống, VD: truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái ngàn xưa đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lùi bởi thói vô cảm và chủ nghĩa cá nhân; truyền thống trọng tình nghĩa mai một trước chủ nghĩa thực dụng và toan tính....
3. Đánh giá: (2,0 điểm)
- Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người Việt Nam nhìn lại chính mình, để biết trân trọng quá khứ của cha ông đồng thời có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.
- Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không ghi nhận những tấm gương nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống. Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
*. Cách cho điểm
- Điểm 4:Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, văn viết giàu hình ảnh, bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
- Điểm 3 đến 3,5: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, văn viết giàu hình ảnh, có thể mắc một vài lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 2 đến 2,5 : Đáp ứng 1/2 yêu cầu, còn mắc một vài lỗi diễn đạt và chính tả.
- Điểm 1 đến 1,5: Bài viết còn sơ sài, diễn đạt chưa tốt, sai nhiều lỗi chính tả.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 3 (10 điểm).
I .Yêu cầu chung:
1. Về kỹ năng:
 + Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận tổng hợp về một vấn đề văn học và vận dụng vào việc tìm hiểu một tác phẩm cụ thể. 
 + Bố cục bài viết mạch lạc, diễn đạt lưu loát, văn viết có hình ảnh, có cảm xúc. 
2. Về kiến thức: 
+ Học sinh hiểu đúng ý nghĩa của nhận định. 
+ Phân tích bài thơ để làm nổi bật vấn đề cần nghị luận.
II . Yêu cầu cụ thể:
Bài làm cần đảm bảo những yêu cầu sau:
1. Giải thích nhận định (1.0 đ)
- Tác phẩm văn học bao giờ cũng lấy chất liệu từ cuộc sống thực tại: đó là những con người, những số phận, những cuộc đời, những mảng đời sống gia đình, xã hội được tác giả dùng làm đề tài cho những sáng tác của mình. Văn học đã trở thành tấm gương phản chiếu hiện thực, qua tác phẩm người đọc có thể hình dung được “cuộc sống muôn hình vạn trạng”.
- Nhưng nghệ sỹ không chỉ ghi lại những cái đã có rồi, không chỉ tái hiện cuộc sống mà còn muốn gửi gắm những tư tưởng tình cảm, thái độ về cuộc sống. Hơn thế nữa nhiều tác phẩm văn học có giá trị còn thể hiện những khao khát những ý tưởng mới mẻ, những điều chiêm nghiệm và những suy ngẫm sâu sắc của nghệ sĩ về cuộc đời, về con người. Đó chính là những điều mới mẻ nghệ sĩ muốn nói qua tác phẩm của mình. 
 Chính vì thế tác phẩm văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.
2. Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định (8.0 đ)
- Giới thiệu tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật (hoàn cảnh ra đời, nội dung chủ yếu)
- Khẳng định bài thơ đã sử dụng những chất liệu của thực tại:
+ Tái hiện chân thực hiện thực khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta qua việc khắc hoạ hình ảnh những chiếc xe không kính.
+ Miêu tả chân thực và sinh động hình ảnh người lính lái xe với những phẩm chất nổi bật: yêu nước, dũng cảm, lạc quan, hồn nhiên, trẻ trung, ngang tàng, thắm thiết tình đồng đội (tái hiện bằng những hình ảnh độc đáo với ngôn ngữ, giọng điệu tự nhiên khoẻ khoắn, giàu tính khẩu ngữ).
- Điều mới mẻ có thể cảm nhận từ bài thơ đó là:
+ Niềm tự hào ngợi ca vẻ đẹp người lính nói riêng và vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ( so sánh với hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp qua bài thơ Đồng chí...) 
+ Khám phá khẳng định sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh tàn khốc và ác liệt. Dường như không có một kẻ thù nào có thể huỷ diệt được sức sống, niềm tin của con người Việt Nam (tư thế ngang tàng, bất khuất của người lính lái xe). Liên hệ với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
+ Thể hiện một chiều sâu triết lí: Sức mạnh của một dân tộc không phải ở vũ khí tối tân hiện đại mà ở tinh thần lạc quan, dũng cảm, ý chí quyết tâm vì chính nghĩa.
3. Đánh giá chung (1.0 điểm)
+ Khẳng định sự đúng đắn của nhận định.
+ Liên hệ với thực tiễn lịch sử và rút ra bài học cho bản thân. 
THANG ĐIỂM: 
● Điểm 9 - 10: Đảm bảo ý cơ bản, bố cục hợp lí, luận điểm rõ ràng, văn phong trong sáng, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả, diễn đạt, bộc lộ năng lực cảm thụ, biết tổ chức bài văn nghị luận.
● Điểm 7 - 8: Đảm bảo phần lớn ý cơ bản, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả
● Điểm 5 - 6: Đảm bảo ý cơ bản, còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả
● Điểm 3 - 4: Bài sơ sài, diễn đạt vụng, nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt
● Điểm dưới 3: Bài quá sơ sài/lạc đề, cẩu thả, mắc lỗi trầm trọng về chính tả, ngữ pháp, không biết viết bài văn nghị luận.
Lưu ý: Đây là bài thi phát hiện HS năng khiếu nên khuyến khích các em trên cơ sở ý cơ bản, có những phát hiện riêng, độc đáo. Tuy nhiên sự sáng tạo phải có logic, có sức thuyết phục
---------------------------------------

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_HSG_van_TOai.doc