Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014 - 2015 môn: Ngữ Văn

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1413Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014 - 2015 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014 - 2015 môn: Ngữ Văn
PHÒNG GD&ĐT HẠ HÒA
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 
NĂM HỌC 2014 - 2015 
MÔN: NGỮ VĂN 
Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (3,0 điểm)
	Chép lại khổ thơ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh và nêu cảm nhận của em về đoạn thơ ấy ?
Câu 2: (5,0 điểm)
	Phân tích giá trị, ý nghĩa (cả về nghệ thuật và nội dung) của chi tiết cái bóng trong truyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Câu 3: (12 điểm)
	Nét đặc sắc của hình tượng người chiến sỹ trong hai bài thơ: “Đồng chí” (Chính Hữu) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật)
ĐÁP ÁN
Câu 1. (3 điểm)
	- Chép đúng, đủ 4 câu thơ sau:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Yêu cầu học sinh biết viết một đoạn văn và nêu được cái ý cơ bản sau:
	- Bằng biện pháp tu từ nhân hóa, những hình ảnh giàu sức biểu cảm, cách nói giảm 4 câu thơ khổ cuối bài thơ "Sang thu" (Hữu Thỉnh) đã thể hiện cảm nhận về sự biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa cuối hạ sang đầu thu. Những yếu tố về thời tiết (nắng, mưa, sấm) được phát hiện trong những biến đổi tinh vi (vẫn còn, vơi dần, bớt).
	- Đoạn thơ còn có nghĩa ẩn dụ: Khẳng định sức sống mãnh liệt của tâm hồn con người. Dù tuổi đã “sang thu” nhưng vẫn còn rạo rực, nồng nàn tình cảm trước thiên nhiên cuộc đời. "Sấm" là những vang động, "hàng cây đứng tuổi" là hình ảnh con người từng trải bình tĩnh đón nhận những tác động bất thường của cuộc sống trong sự lạc quan tin yêu.
	+ Thang điểm:
	Điểm 3: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo cảm thụ riêng biệt, có thề có một vài sai sót nhỏ.
	+ Điểm 2: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết chưa sâu sắc, còn sai sót một vài lỗi nhỏ.
	+ Điểm 1: Bài viết còn thiếu ý, diễn đạt còn lủng củng.
+ Điểm 0: Sai lạc cả về nội dung và hình thức.
Câu 2: (5,0 điểm)
	Phân tích chi tiết cái bóng:
	* Về nghệ thuật:
	- Chi tiết cái bóng tạo nên cách thắt nút, mở nút hết sức bất ngờ, hấp dẫn.
	- Cái bóng là biểu hiện của tình yêu thương, lòng chung thủy trở thành nguyên nhân trực tiếp của nỗi đau oan khuất, dẫn đến cái chết bi thảm của nhân vật (thắt nút).
	- Cái bóng làm nên sự hối hận của chàng Trương và giải oan cho Vũ Nương (mở nút).
	* Về nội dung: Chi tiết cái bóng làm cho cái chết Vũ Nương thêm oan ức và giá trị tố cáo xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công với phụ nữ thêm sâu sắc.
	- Phải chăng qua chi tiết cái bóng, tác giả ngầm muốn nói trong xã hội phong kiến thân phận người phụ nữ mong manh và rẻ rúng chẳng khác nào cái bóng trên tường.
	* Thang điểm:
	- Điểm 5: Bài viết sâu sắc đủ các ý đã nêu trên.
	- Điểm 4: Bài viết đủ các ý đã nêu, văn viết chưa sâu sắc, có thể có một vài lỗi nhỏ.
	- Điểm 3: Bài viết còn thiếu ý, còn sai một vài lỗi nhỏ.
	- Điểm 2: Bài viết còn thiếu ý, diễn đạt không rõ ý.
	- Điểm 1: Bài viết còn thiếu nhiều ý, diễn đạt lủng củng
	- Điểm 0: Bài viết lạc đề, sai cả hình dung, hình thức.
Câu 3: (12 điểm)
	I. Yêu cầu: 
Học sinh biết viết bài nghị luận văn học (biết đối sánh hai tác phẩm để nhận ra những nét đặc sắc của mỗi bài thơ về hình tượng người chiến sỹ. Diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, các ý cần trình bày được:
	A. Giới thiệu đề tài người chiến sỹ trong văn học cách mạng Việt Nam (1945-1975) và hai tác phẩm của hai nhà thơ.
	B. Nét giống nhau của hai tác phẩm:
	- Hình ảnh người chiến sỹ trong hai bài thơ đều xuất thân từ những người Việt Nam yêu nước. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược nên họ có nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập dân tộc, được giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng.
	- Trong chiến đấu họ phải đối mặt với những khó khăn gian khổ, thiếu thốn nhưng họ vẫn vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ. Phẩm chất của người chiến sỹ được tôi luyện trong kháng chiến, giữa họ có những tình cảm tốt đẹp, bền chặt của tình đồng chí, đồng đội. Đó là những nét bản chất cao đẹp của người chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
	C. Nét đặc sắc riêng:
	a. Tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu.
	- Nội dung: 
Viết về người lính trong buổi đầu chống thực dân Pháp, xuất thân từ nông dân nghèo ở những miền quê khác nhau. Tác phẩm lý giải tình đồng chí, đồng đội nảy sinh trên cơ sở cùng cảnh ngộ, cùng lý tưởng chiến đấu, cùng chia sẻ gian lao, thiếu thốn. Các anh thấu hiểu tâm tư tình cảm của nhau, có những nỗi nhớ quê hương sâu nặng tha thiết.
	- Nghệ thuật:
	- Bài thơ mang vẻ đẹp giản dị, ngôn ngữ mộc mạc, giọng điệu thủ thỉ tâm tình, cảm xúc dồn nén, sử dụng cấu trúc song hành. Tác phẩm có nhiều chi tiết phản ánh hiện thực mà vẫn đậm chất lãng mạn.
	b. Tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật.
	- Nội dung: 
	Viết về những người chiến sỹ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ ác liệt. Bài thơ làm nổi bật tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm chấp nhận những khó khăn với ý trí chiến đấu giải phóng Miền Nam của người chiến sỹ lái xe. Họ có nét tinh nghịch, trẻ trung, vô tư lạc quan, hồn nhiên sôi nổi. Cả tập thể chiến sỹ lái xe coi nhau như một gia đình.
	- Nghệ thuật:
	Bài thơ đậm chất văn xuôi mà vẫn rất thơ, tạo nên một lối thơ mới giàu hiện thực, trẻ trung. Nhà thơ xây dựng hình tượng những chiếc xe không kính là một nét đặc sắc để khắc họa vẻ đẹp tâm hồn, ý chí người chiến sỹ lái xe.
	D. Nguyên nhân có sự khác nhau:
	Do hoàn cảnh lịch sử chi phối cách phản ánh cuộc sống chiến tranh, đồng thời do cách cảm nhận và tài năng thể hiện ở mỗi nhà thơ cũng có sự đòi hỏi sáng tạo của văn học. Tuy nhiên giữa hai thế hệ người chiến sỹ vẫn có tính nối tiếp và kế thừa.
	II. Thang điểm:
	- Điểm 11,12 : Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, cảm thụ riêng biệt. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ.
	- Điểm 9, 10: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu nêu trên; văn viết chưa thật sâu sắc nhưng phải đủ ý, diễn đạt trong sáng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
	- Điểm 7, 8: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề, chọn và phân tích được một số dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Diễn đạt rõ ý. Còn mắc một vài sai sót nhỏ.
	- Điểm 5, 6: Cơ bản hiểu yêu cầu đề bài song phân tích dẫn chứng chưa thật sâu sắc, còn mắc một vài sai sót.
	- Điểm3, 4: Chưa hiểu rõ đề, nội dung sơ sài, ít dẫn chững, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
	- Điểm 1,2: Chưa hiểu đề bài, nội dung sơ sài hoặc không nêu được ý, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi ngữ pháp, dùng từ.
	- Điểm 0 : Sai lạc cả về nội dung và phương pháp.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_Ngu_Van_9.doc