Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 12 thpt kỳ thi thứ nhất - Năm học 2014 - 2015 môn: sinh học

doc 2 trang Người đăng TRANG HA Lượt xem 1508Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 12 thpt kỳ thi thứ nhất - Năm học 2014 - 2015 môn: sinh học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 12 thpt kỳ thi thứ nhất - Năm học 2014 - 2015 môn: sinh học
SỞ GD&ĐT NINH BÌNH
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 THPT 
Kỳ thi thứ nhất - Năm học 2014 - 2015
MÔN: SINH HỌC- Bài thi thứ nhất (ngày thi 07/10/2014)
Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 10 câu, trong 02 trang)
Câu 1 (2,5 điểm): 
	a) Các nhà khoa học nhận thấy chỉ khoảng 1,5% số nuclêôtit trong hệ gen người tham gia vào việc mã hóa các chuỗi polipeptit, vậy số nuclêôtit còn lại có thể giữ vai trò gì? 
	b) Phân biệt ADN plasmit và ADN là vật chất di truyền ở vi khuẩn.
	c) Nguyên tắc một chiều và nguyên tắc ngược chiều được thể hiện trong các cơ chế di truyền nào ở cấp độ phân tử, giải thích.
Câu 2 (2,0 điểm):
	a) Một đột biến câm không làm thay đổi kiểu hình của cơ thể mang gen đột biến. Làm thế nào để có thể phát hiện được dạng đột biến này?
	b) Dạng đột biến nào dùng để xác định vị trí gen trên nhiễm sắc thể ở sinh vật nhân thực? Cho ví dụ về các dạng đột biến này ở người?
	c) Có thể nhận biết một thể dị hợp về chuyển đoạn nhiễm sắc thể bằng những dấu hiệu nào? Vai trò của loại đột biến này trong tiến hóa và chọn giống?
Câu 3 (2,0 điểm):
	a) Ở một loài thực vật, cây có kiểu gen AA khi trồng ở 20oC cho hoa màu đỏ, nhưng đem trồng ở 35oC thấy xuất hiện màu trắng. Đây là loại biến dị nào? Nêu đặc điểm và ý nghĩa của loại biến dị này.
	b) Trong quá trình tự nhân đôi ADN, sự lắp ráp nhầm các nuclêôtit có thể dẫn đến đột biến gen. Sự lắp ráp nhầm các ribônuclêôtit trong quá trình phiên mã cũng có thể tạo ra các mARN đột biến. Giải thích mức độ và hậu quả do sai sót trên gây ra giữa quá trình tự sao với quá trình phiên mã.
Câu 4 (2,5 điểm):
	a) Có thể dùng những phép lai nào để xác định khoảng cách giữa hai gen trên một nhiễm sắc thể? Phép lai nào hay được dùng hơn, vì sao?
	b) Sự di truyền của tính trạng do gen trên nhiễm sắc thể giới tính qui định luôn phân bố không đều ở 2 giới đúng hay sai, giải thích.
	c) Khi gen qui định tính trạng nằm trên nhiễm sắc thể thường thì kết quả phép lai thuận nghịch sẽ như thế nào, cho ví dụ minh hoạ?
Câu 5 (3,0 điểm): 
	a) Cho F1 lai với cơ thể khác được thế hệ lai có kiểu hình phân li theo tỉ lệ 1:2:1. Xác định các qui luật di truyền có thể có chi phối phép lai trên?
	b) Ở một loài động vật, gen A quy định tính trạng tai bình thường là trội hoàn toàn so với gen a quy định tính trạng tai xẻ. Khi tiến hành các phép lai, người ta thu được kết quả như sau:
	- Phép lai 1: Cho con cái thuần chủng tai xẻ lai với con đực thuần chủng tai bình thường, F1 thu được tất cả các con đều tai bình thường. Cho F1 giao phối với nhau, F2 thu được những con cái có kiểu hình tai xẻ và tai bình thường, những con đực chỉ có tai bình thường.
	- Phép lai 2: Lấy con đực F1 ở phép lai trên cho lai với con cái tai xẻ thu được kiểu hình tai xẻ chỉ có ở con cái, còn kiểu hình tai bình thường chỉ có ở con đực.
	Dựa vào kết quả 2 phép lai trên, hãy xác định quy luật di truyền gen quy định tính trạng hình dạng tai ở loài động vật đó. Viết sơ đồ lai minh họa?
Biết rằng cặp nhiễm sắc thể giới tính của loài động vật trên ở con đực là XY, con cái là XX; tính trạng nghiên cứu không chịu ảnh hưởng của môi trường và không có đột biến mới xảy ra. 
Câu 6 (2,0 điểm): 
	a) Cấu trúc di truyền của quần thể giao phối ở trạng thái cân bằng di truyền được thể hiện như thế nào khi xét locut gen gồm 2 alen?
	b) Ở người bệnh bạch tạng do gen lặn a nằm trên nhiễm sắc thể thường quy định. Giả sử một quần thể đang cân bằng di truyền và cứ 100 người bình thường thì có một người mang gen bệnh. 
- Hai người bình thường trong quần thể trên kết hôn, theo lý thuyết hãy tính xác suất để họ sinh 2 con đều bình thường?
- Nếu cặp vợ chồng trên đều có kiểu gen dị hợp thì khả năng họ sinh 3 người con trong đó có cả trai lẫn gái và có ít nhất một người bình thường là bao nhiêu?
Câu 7 (2,0 điểm): 
	a) Trong các bằng chứng tiến hoá, bằng chứng nào là chính xác nhất; bằng chứng trực tiếp nào có tính thuyết phục nhất, vì sao?
	b) Cánh chim và cánh dơi là cơ quan tương tự hay cơ quan tương đồng, giải thích.
	c) Vì sao thú có túi bay ở châu Đại dương và sóc bay ở Bắc Mĩ có đặc điểm giống nhau là đều bay được nhưng chúng lại không có quan hệ họ hàng với nhau?
Câu 8 (1,0 điểm): 
	a) Tại sao chọn lọc tự nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn một alen có hại ra khỏi quần thể, điều này có ý nghĩa gì?
	b) Ở một loài cá, số lượng cá bụng đốm đỏ chiếm ưu thế nhưng dễ bị kẻ thù phát hiện, cá bụng xám thì khó bị kẻ thù phát hiện. Các con cá cái lại thích chọn giao phối với những con cá bụng đốm đỏ. Tại sao những con cá bụng đốm đỏ dễ bị kẻ thù phát hiện nhưng vẫn chiếm ưu thế?
Câu 9 (1,5 điểm): 
	a) Thực vật và động vật có biến đổi gì về hình thái để thích nghi với điều kiện gió mạnh? 
	b) Cây xoài của miền Nam đưa ra trồng ở miền Bắc thì ít quả hơn, quả nhỏ, chua và nhiều xơ,... Bằng các kiến thức về sinh thái hãy giải thích tại sao lại có hiện tượng trên?
	c) Hãy giải thích tại sao những loài động vật hoang dã trong rừng mặc dù ít bị con người khai thác nhưng vẫn có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Câu 10 (1,5 điểm):
	a) Phân biệt cạnh tranh cùng loài và cạnh tranh khác loài.
	b) Trong thực tế trồng trọt cây ăn trái, người ta thường dùng một loại kiến để tiêu diệt sâu hại lá cam, đây là một ví dụ để minh họa cho việc ứng dụng một khái niệm trong sinh thái học vào sản xuất nông nghiệp.
	- Hãy trình bày khái niệm này?
	- Giải thích để cho thấy việc ứng dụng khái niệm nói trên không phải lúc nào cũng đưa đến kết quả tốt.
--------HẾT-------
Họ và tên thí sinh:........................................................................... Số báo danh ................................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1:..........................................................................
 Giám thị 2:..........................................................................

Tài liệu đính kèm:

  • docchon_hsg_vong_1_NB.doc