Đề thi chọn Học sinh giỏi cấp trường (lần 1) năm học 2015 - 2016 môn: Văn 9

doc 9 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2114Lượt tải 4 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn Học sinh giỏi cấp trường (lần 1) năm học 2015 - 2016 môn: Văn 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn Học sinh giỏi cấp trường (lần 1) năm học 2015 - 2016 môn: Văn 9
PHÒNG GD&Đ ĐỀ THI CHỌN HSG CẤP TRƯỜNG (LẦN 1)
TRƯỜNG NĂM HỌC 2015 -2016
 Môn: Văn 9
 Thời gian làm bài: 120 phút 	
ĐỀ 1
Thời gian 120 phút ( không kể thời gian phát đề)
Câu 1: (4.0 điểm)
Hãy chỉ ra và phân tích giá trị nghệ thuật của phép tu từ trong đoạn thơ sau:
	“Làn thu thủy nét xuân sơn
	 Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
	 Một hai nghiêng nước nghiêng thành
	 Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”
	( “Truyện Kiều” – Nguyễn Du)
Câu 2: (6.0 điểm)
 Đọc mẩu chuyện sau : 
“Chuyện kể, một danh tướng có lần đi ngang qua trường học cũ của mình, liền ghé vào thăm. Ông gặp lại người thầy từng dạy mình hồi nhỏ và kính cẩn thưa: 
- Thưa thầy, thầy còn nhớ con không? Con là... 
Người thầy giáo già hoảng hốt: 
- Thưa ngài, ngài là... 
- Thưa thầy, với thầy con vẫn là đứa học trò cũ. Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào...”
(Trích SGK Ngữ văn 9 – tập 1, trang 40) 
Bằng một bài văn ngắn, hãy nêu suy nghĩ của em về những điều tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện trên. 
Câu 3: (10 điểm)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: " Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh". Bằng hiểu biết của mình và dựa vào ý kiến của Trần Đăng Khoa, em hãy chứng minh rằng: bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy là một bài thơ hay.
..Hết.
Câu
 ĐÁP ÁN
điểm
1
4 điểm
Về hình thức:
- Trình bày dưới dạng đoạn văn; chữ viết rõ ràng, sạch đẹp; văn phong lưu loát; không mắc lỗi.
Về nội dung:
Cần đảm bảo các ý sau: 
 - Ẩn dụ: “làn thu thủy, nét xuân sơn” (Ánh mắt trong như làn nước mùa thu, lông mày cong, xanh như dáng núi mùa xuân)
	- Nhân hóa: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” (thiên nhiên “ghen” và “hờn” trước vẻ đẹp của Kiều)
 - Phép nói quá: Thúy Kiều đẹp đến mức “Hoa ghen – Liễu hờn”, “Nghiêng nước nghiêng thành”
	à Cách sử dụng các biện pháp tu từ, kết hợp bút pháp ước lệ cổ điển trong nghệ thuật miêu tả nhân vật, sử dụng điển tích, điển cố đã làm hiển hiện trước mắt người đọc một trang giai nhân tuyệt sắc, đồng thời với việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật ấy dường như dự báo được cuộc đời dâu bể lận đận của Kiều sau này, qua đó đã cho ta thấy được tài năng của người nghệ sỹ bậc thầy Nguyễn Du trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.
(0.5 )
(0.5)
(0.5)
(0.5)
(2.0)
2
6 điểm
1. Về kĩ năng
- Viết đúng thể thức của một bài văn ngắn, đúng kiểu bài nghị luận xã hội. 
- Bố cục 3 phần cân đối, lập luận chặt chẽ; luận điểm rõ ràng. 
- Diễn đạt lưu loát; dẫn chứng xác thực; liên hệ mở rộng tốt. 
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả. 
2. Về kiến thức: học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách nhưng cần làm rõ được các yêu cầu cơ bản sau: 
* Những điều rút ra từ câu chuyện: 
- Câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn nhưng chứa đựng ý nghĩa triết lí lớn lao: lòng biết ơn và cách đối nhân xử thế thấu tình, đạt lí giữa con người với con người. 
- Người học trò tuy đã trở thành một nhân vật nổi tiếng, có quyền cao chức trọng 
(một vị danh tướng) nhưng vẫn luôn nhớ tới những người thầy đã dạy dỗ, giáo dục mình nên người. Việc người học trò trở về thăm trường, gặp thầy giáo cũ và có những cách ứng xử rất khiêm tốn và đúng mực, thể hiện thái độ kính trọng và lòng biết ơn của người học trò đối với thầy giáo mình. Ngay cả khi người thầy giáo già gọi vị tướng là ngài thì ông vẫn không hề thay đổi cách xưng hô (con – thầy). - Ngược lại, người thầy giáo cũ lại rất tôn trọng cương vị hiện tại của người học trò cũ nên gọi vị tướng là ngài. Đây là cách xưng hô lịch sự, cách đối nhân xử thế thấu tình đạt lí. 
* Bình luận, rút ra bài học: 
- Trong cuộc sống cần phải thể hiện rõ lòng biết ơn với những người đã giáo dục, dạy dỗ hay giúp đỡ mình. Lòng biết ơn thể hiện ở những hành động, lời nói, cử chỉ, thái độ... 
- Cách cư xử, xưng hô giữa con người với con người cũng thể hiện nét đẹp của văn hóa 
giao tiếp. 
- Biết ơn những người đã dạy dỗ mình là đạo lý tốt đẹp trong xã hội. Hãy sống đẹp, 
có cách cư xử đúng mực đó là một trong những con đường để hoàn thiện nhân cách con người. 
- Hãy có những việc làm, hành động cụ thể để thể hiện lòng biết ơn. 
(HS có thể lấy dẫn chứng trong cuộc sống và qua các tác phẩm văn học để làm rõ các ý trên) 
* Liên hệ mở rộng: 
- Đề cao bài học đạo lí biết ơn thầy cô, tinh thần “tôn sư trọng đạo” và truyền thống 
“uống nước nhớ nguồn”. 
- Xã hội văn minh luôn đề cao lối sống đẹp, hành vi ứng xử có văn hóa. 
- Tuy nhiên, trong xã hội ta hiện nay vẫn có những con người có hành vi và thái độ ứng xử phi đạo lí, vô ơn với thầy cô; trong quan hệ giao tiếp có những lời lẽ phát ngôn, xưng hô thiếu chuẩn mực 
à Từ câu chuyện, chúng ta rút ra được bài học nhân sinh sâu sắc: lòng biết ơn, cách đối nhân xử thế thấu tình đạt lí là nét đẹp trong tâm hồn, nhân cách của con người. 
(0.5)
(2.0)
(2.0)
(1.5)
3
10 điểm
1) Về kỹ năng:
 - Thể loại: Thuộc kiểu bài chứng minh một vấn đề về văn học.
 - Bố cục: Cân đối, kết cấu chặt chẽ.
 - Diễn.đạt: Văn viết phải lưu loát, đúng chính tả, đúng ngữ pháp, trình bày sạch đẹp. rõ ràng, có cảm xúc.
 - Phương pháp; Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận chứng minh (luận điểm rõ ràng, có sức thuyết phục. học sinh phải biết cách trích dẫn chứng và phân tích các dẫn chứng đã nêu.)
2) Về nôi dung: Đây là một đề văn nhằm đánh kiến thức thí sinh về một tác phẩm cụ thể đồng thời ở một mức độ nào đó đánh giá sự hiểu biết của các em về góc độ lí luận văn học đó là cái hay của thơ ca. Tuy nhiên. từ xưa đến nay có rất nhiều quan niệm về thi ca, nhưng ở đề này cái chính là hiểu và lấy bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy để làm sáng tỏ quan niệm của Trần Đăng Khoa: Thơ hay là thơ cùng một lúc phải đạt cả ba phẩm chất: gián dị, xúc động và ám ảnh.
Học sinh có thể viết bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo nắm được và làm toát lên những nội dung cơ bản sau:
* Đây là kiểu bài chứng minh một vấn đề về văn học thông qua một nhận định.
* Muốn chứng minh được người viết phải hiểu được nhận định và giải thích một cách khái quát nhận định ấy: 
+ Một bài thơ hay là bài thơ có sự kết hợp của các yếu tố: giản dị, xúc động và ám ảnh. Ba yếu tố này cùng một lúc được thể hiện hoà quyện trong bài thơ. Nó là kết tinh tình cảm nồng cháy và lí trí một cách nhuần nhuyễn mang tính nghệ thuật của nhà thơ.
+ Thế nào là giản dị, xúc động và ám ảnh trong thơ:
- Giản dị trong thơ: Học sinh biết phân biệt được giản dị không phải là đơn giản. Giản dị để làm nên cái hay của một bài thơ là kết quả của quá trình tinh luyện. Nó thể hiện ở đề tài, ngôn ngữ, trong đặt câu, hiệp vần, trong sử dụng hình ảnh và nội dung thể hiện
- Xúc động: Trước hết là sự xúc động của chính nhà thơ. Thơ là tiếng lòng của thi nhân trong một sự dồn nén cao độ của cảm xúc. Từ tiếng lòng của thi nhân, bằng thơ và qua thơ tạo sự giao cảm và hội ngộ về cảm xúc giữa đọc giả và nhà thơ từ đó thầy được thơ và sự giao hoà giữa thế giới riêng tư của cá nhân và xã hội. Thơ đem đến cho người đọc những rung cảm đẹp góp phần nâng cao và bồi dưỡng tâm hồn con người.
 	- Ám ảnh: Những cảm xúc về vấn đề tác giả thể hiện trong bài thơ phải thực sự có sức gợi: Gợi cho người đọc những trăn trở, nghĩ suy; để lại trong tâm hồn người đọc những cảm xúc không thể nào quên
+ Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy là một bài thơ hay bởi đó là một bài thơ đã hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố: giản dị, xúc động và ám ảnh
- Bằng sự cảm thụ tác phẩm, học sinh chứng minh cái giản dị, xúc động và ám ảnh được thể hiện trong bài thơ qua đề tài, chủ đề, câu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh hình tượng  của bài thơ 
- Bài thơ có nội dung chủ đề rất quen thuộc, đã trở thành đạo lí của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ
- Để thê hiện nội dung chủ đề nhà thơ chọn trăng – hình ảnh thiên nhiên đep đẽ, hồn nhiên, khoáng đạt, tươi mát, làm biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hẳng của đời sống, gợi nhắc con người cùng có thái độ sống ân nghĩa, thủy chung.
- Cả bài thơ có sáu khổ thơ được viết theo thể ngũ ngôn rất bình dị tạo giọng điệu tâm tình sâu lắng, tự nhiên như một lời tự nhắc nhở, đồng thời cũng là sự sẻ chia, gợi nhắc với mọi người
- Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự với trữ tình. Từ câu chuyện của người lính – nhân vật trữ tình trong bài thơ, người đọc cảm nhận được những cảm xúc sâu lắng, xúc động, những trăn trở suy nghĩ mà tác giả muốn gửi gắm.
- Kết cấu, gỉọng điệu của bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo tính chân thực, bình dị, có sức truyền cảm sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.
- Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ tự nhiên, chân thành và thấm thía qua cách chọn lọc các hình ảnh, chọn tình huống, lựa chọn từ ngữ.
* Bài viết sạch, đẹp, rõ ràng, ít mắc lỗi diễn đạt, văn viết lưu loát, có cảm xúc, sáng tạo, biết vận dụng ở mức chừng mực kiến thức lí luận văn học trong việc giải thích chứng minh đề bài 
(3.0)
(6.0)
 (1.0)
PHÒNG GD&ĐT ĐỀ THI CHỌN HSG CẤP TRƯỜNG (LẦN 1)
TRƯỜNG THCS NĂM HỌC 2015 -2016
 Môn: Văn 9
 Thời gian làm bài: 120 phút 	
ĐỀ 2
Câu 1: (2,0 điểm)
 Viết về cảnh đất trời mùa xuân ở đoạn trích Cảnh ngày xuân (Truyện Kiều – Nguyễn Du), có ý kiến cho rằng: Từ cặp lục bát thứ nhất sang cặp lục bát thứ hai có sự biến đổi của mạch thơ; riêng cặp lục bát thứ hai đã thể hiện tài tình nghệ thuật “thi trung hữu họa”.
Em hãy viết đoạn văn trình bày ý kiến của mình về nhận xét trên?
Câu 2: (2,0 điểm)
Khi nói về quê hương, Đỗ Trung Quân cho rằng: 
 Quê hương mỗi người chỉ một
 Như là chỉ một mẹ thôi. 
 (Quê hương)
Em hiểu thế nào về quan niệm của nhà thơ? Từ đó hãy bày tỏ suy nghĩ của em về quê hương?
Câu 3: (6,0 điểm)
Nhận xét về truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, có ý kiến cho rằng: 
 “Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật”.
Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, em hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ và tên thí sinh: ..........................................................SBD: ......................
 ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN 
Câu 1: 
* Bài viết trình bày dưới hình thức một đoạn văn.
* Nội dung cần đạt được như sau:
Đồng ý với nhận xét trên 
+ Sự biến đổi của mạch thơ 
Hai câu đầu gợi dòng chảy thời gian bất tận, nhịp thơ êm xuôi:“Ngày xuân con énngoài sáu mươi”. Hình ảnh “chim én đưa thoi” vừa gợi không gian, vừa ngụ ý mùa xuân qua nhanh. 
Hai câu tiếp theo, mạch thơ dừng lại, mở ra một không gian mênh mông, không còn ranh giới giữa trời và đất: “ Cỏ non xanh tận chân trờimột vài bông hoa” . 
+ Nghệ thuật “Thi trung hữu họa” ở cặp thơ thứ hai: 
Trời đất một màu xanh non tươi tốt của cỏ mùa xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết sắc trắng của hoa lê. Hai màu: xanh, trắng là những gam màu sáng tươi dịu mát, tôn nhau lên, màu trắng hoa lê làm cỏ như xanh hơn và sắc trắng của hoa càng trở nên thanh khiết trên nền cỏ xanh mịn. 
Cách dùng từ “trắng điểm” (chứ không phải là điểm trắng) giúp ta nhận ra tín hiệu của mùa xuân ở vẻ đẹp ẩn chìm mà sống động của tạo vật vốn vô tri vô giác. 
	Có thể liên hệ đến câu thơ cổ của Trung Quốc: “ Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa”.
+ Khả năng rung động tinh tế của thi nhân trước cái đẹp của mùa xuân .
 ( Không cho điểm tối đa những bài viết không trình bày đúng hình thức của một đoạn văn). 
Câu 2:
* Yêu cầu chung:
 HS hiểu đề, viết sát chủ đề đã nêu.
 Biết cách làm một bài văn nghị luận có bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ.
 Trình bày ý mạch lạc, rõ ràng. Văn viết trong sáng, có cảm xúc.
* Yêu cầu cụ thể: 
+ Quan niệm về quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân :
- Câu thơ nằm trong thi phẩm viết về quê hương. Trong thi phẩm ấy, nhà thơ gợi ra những cách hiểu về quê hương.
- Cách so sánh độc đáo, thú vị : quê hương và mẹ.Ý ngĩa của cách so sánh ấy là để khẳng định quê hương chính là nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó, nuôi dưỡng sự sống, đặc biệt là sự sống tinh thần, tâm hốn. 
 Qua lối so sánh khẳng định để nêu bật tình cảm với quê hương. Quê hương là điều quý giá vô ngần mà mỗi con người không thể thiếu. Hình bóng quê hương đi theo con người suốt cả cuộc đời, trở thành điểm tựa về tinh thần của con người trong cuộc sống. Nếu thiếu đi điểm tựa này, cuộc sống của con người trở nên chông chênh, lệch lạc. Đồng thời, qua cách so sánh, tác giả cũng khơi dậy, nuôi dưỡng tình cảm với quê hương : tình cảm với mẹ là tình cảm tự nhiên như một bản năng, tình cảm với quê hương là tình cảm tự nhiên, thuần khiết trong tâm hồn mỗi con người.
- Gợi mở một cách sống, cách làm người : Phải biết coi trọng gốc rễ, hướng về cội nguồn, biết yêu quê hương. Thiếu đi tình cảm này là một khiếm khuyết trong đời sống tâm hồn, tình cảm khiến con người không được làm người một cách trọn vẹn.
+ Suy nghĩ của bản thân:
- Quê hương là bến đỗ bình yên cho mỗi con người...
- Mỗi người không được quên đi nguồn cội, gốc gác, quê hương. Dù ai đi đâu, ở đâu cũng sẽ luôn tự nhắc nhở hãy nhớ về cội nguồn yêu thương.
 Nuôi dưỡng tình cảm với quê hương có nghĩa là nuôi dưỡng tâm hồn, để con người được làm người theo nghĩa đầy đủ nhất.
- Đặt tình cảm với quê hương trong quan hệ với tình yêu đất nước, cần hướng về quê hương song không có nghĩa là chỉ hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra mà phải biết tôn trọng và yêu quý tất cả những gì thuộc về Tổ quốc.
- Có thái độ phê phán trước những hành vi, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương : chê quê hương nghèo khó, lạc hậu ; làm thay đổi một cách tiêu cực dáng vẻ quê hương mình...
- Trách nhiệm xây dựng quê hương.
* Mở bài, kết bài viết tốt mỗi phần được điểm.
Câu 3: 
* Về kỹ năng: Hiểu đúng yêu cầu của đề bài. Biết cách làm bài văn nghị luận bố cục rõ ràng, kết cấu hợp lí. Diễn đạt tốt, không mắc các lỗi chính tả , dùng từ , ngữ pháp.
* Về nội dung :
 Học sinh có thể sắp xếp trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những ý kiến riêng miễn sao phải phù hợp với yêu cầu của đề bài. Dù triển khai theo trình tự nào cũng cần đạt được những ý chính sau đây.
 A/ Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ.
 Qua các nhân vật với những công việc và lứa tuổi khác nhau, nhà văn muốn khái quát những phẩm chất cao đẹp của con người mới trong thời kì xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống Mĩ cứu nước. Họ có những suy nghĩ đúng đắn, lặng lẽ cống hiến cho tổ quốc, tâm hồn trong sáng và giàu lòng nhân ái.
1/ Vẻ đẹp cao cả chung của các nhân vật.
 + Ý thức trách nhiệm trước công việc : anh thanh niên, đồng chí cán bộ khoa học.
+ Sống có lý tưởng, sẵn sàng cống hiến : anh thanh niên, cô kỹ sư trẻ (cô kĩ sư trẻ mới ra trường lần đầu tiên xa Hà Nội, dũng cảm lên nhận công tác tại Lai Châu. Cô là lớp thanh niên thề ra trường đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì) 
+ Nhận thức sâu sắc ý nghĩa công việc: anh thanh niên, ông kỹ sư vườn rau, người cán bộ nghiên cứu khoa học
+ Yêu thích, say mê công việc, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, dám chấp nhận cuộc sống cô độc để làm việc, làm việc một cách kiên trì, tự giác bất chấp hoản cảnh : anh thanh niên, ông kỹ sư vườn rau, người cán bộ nghiên cứu khoa học. 
2/ Vẻ đẹp trong cuộc sống bình thường.
 Tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên. 
+ Đó là con người sống, làm việc một mình trên đỉnh núi cao mà không cô đơn. Anh tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình trên trạm khí tượng thật ngăn nắp, chủ động, giản dị (căn nhà nhỏ, giường cá nhân). Anh sống lạc quan yêu đời- trồng hoa, nuôi gà, đọc sách.
+ Đó là một người khiêm tốn: lặng lẽ hoàn thành công việc, không tự nhận thành tích về mình, luôn nhận thức được công việc của mình làm là những đóng góp nhỏ bé cho đất nước; ham mê học hỏi, phấn đấu bởi xung quanh anh có biết bao con người, bao tấm gương, bao điều đáng học ( những ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu sét...)
+ Một con người sống cởi mở, tốt bụng, luôn quan tâm đến mọi người một cách chân thành, chu đáo: việc đi tìm củ tam thất cho vợ bác lái xe, đón ông hoạ sĩ già và cô kỹ sư trẻ thân tình, nồng hậu; hồn nhiên, yêu cuộc sống: thèm người, thèm chuyện trò ...
Khẳng định, khái quát: Tác phẩm thật sự là một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của người lao động bình thường mà cao cả. Họ chính là những thế hệ tiêu biểu cho lớp người mới, cho thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước. Tuy không trực tiếp chiến đấu, song họ đã góp phần không nhỏ để xây dựng cuộc sống mới và góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến của dân tộc. Họ nối tiếp nhau xứng đáng là chủ nhân của đất nước này.
( Học sinh có thể trình bày trên cơ sở phân tích từng nhân vật để làm nổi bật ý tưởng chung, tuy nhiên , cần tập trung vào nhân vật trung tâm là anh thanh niên) 
B/ Tác phẩm gợi lên những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác về con người và về nghệ thuật”.
- Cuộc sống của mỗi người chỉ thực sự ý nghĩa khi mọi việc làm , hành động của họ đều xuất phát từ tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu và tự hào về mảnh đất mình đang sống. 
- Con người biết sống có lý tưởng, say mê với công việc, hiểu được ý nghĩa của công việc mình làm . Con người cần tự nhìn vào chính bản thân để sống tốt đẹp hơn.
- Thông qua suy nghĩ của người hoạ sĩ : vẻ đẹp của con người và của cuộc sống chính là nguồn cảm hứng vô tận để người nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị . 
* Thang điểm :
- Mở bài, kết bài đạt yêu cầu mỗi phần được điểm.
- Thân bài.. điểm : Ý thứ nhất (A) - .
 Ý thứ hai (B) - điểm.
 Lưu ý chung:
 Trên đây chỉ là những gợi ý cơ bản về cách chấm. Giám khảo linh hoạt khi chấm bài của học sinh. Khuyến khích những bài viết có chất văn, có tính sáng tạo.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE THI CHON HSG LOP 9.doc