Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Bắc Ninh năm học 2013 – 2014 môn: Ngữ văn - Lớp 12 - thpt

doc 5 trang Người đăng khoa-nguyen Lượt xem 3237Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Bắc Ninh năm học 2013 – 2014 môn: Ngữ văn - Lớp 12 - thpt", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Bắc Ninh năm học 2013 – 2014 môn: Ngữ văn - Lớp 12 - thpt
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2013-2014
Môn: Ngữ văn - Lớp 12 
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 28 tháng 3 năm 2014
= = = = = = = = = =
Câu 1. (4,0 điểm)
Cảm nhận nét tương đồng và khác biệt của chi tiết “dòng nước mắt” trong hai đoạn văn sau: 
	“Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”
	(Vợ nhặt - Kim Lân)
	“Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt”
	(Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)
Câu 2. (6,0 điểm)
Điều quan trọng không phải là những gì xảy ra đến với cuộc sống của bạn, mà chính là cách bạn nhìn về những biến cố đó.
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề trên.
Câu 3. (10 điểm)
	Dấu ấn thơ ca dân gian trong thơ ca Việt Nam hiện đại qua đoạn trích bài thơ Việt Bắc (Ngữ văn 12, Tập một) của Tố Hữu.
=====Hết=====
(Đề thi có 01 trang)
Họ và tên thí sinh :................................................... Số báo danh .............................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1:....................................................................................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 2:....................................................................................
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM
 ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2013-2014
Môn: Ngữ văn - Lớp 12
Hướng dẫn chấm có 04 trang
Câu 1. (4,0 điểm) 
A. Yêu cầu về kĩ năng: 
Học sinh có thể viết thành một bài văn ngắn hoặc một đoạn văn. Yêu cầu bố cục sáng rõ, diễn đạt mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc.
B. Yêu cầu về kiến thức:
1. Giới thiệu. (0,5 điểm)
- Chi tiết nghệ thuật là một yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương tự sự. Chi tiết “dòng nước mắt” trong tác phẩm “Vợ nhặt” - Kim Lân và “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu có sức ám ảnh sâu sắc.
2. Điểm tương đồng. (1,5 điểm)
- Về nội dung:
+ Đều là những dòng lệ của người phụ nữ, của người mẹ trong cảnh nghèo đói khốn khổ, những dòng nước mắt chan chứa tình người của những người mẹ vị tha, giàu đức hi sinh.
+ Đều góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của hai tác phẩm, thể hiện tấm lòng thương cảm đối với bi kịch của con người, sự trân trọng vẻ đẹp tình đời, tình người của các tác giả.
- Về nghệ thuật: đều đặt chi tiết trong những tình huống éo le, đều thể hiện ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế sâu sắc của hai nhà văn.
3. Điểm khác biệt. (1,5 điểm)
- Về nội dung: 
+ Chi tiết “dòng nước mắt” của bà cụ Tứ gắn với tình huống anh cu Tràng nhặt được vợ, bà cảm thấy ai oán, xót thương cho số kiếp đứa con mình, xót tủi cho chính thân phận mình. 
+ “dòng nước mắt” của người đàn bà hàng chài trào ra sau sự việc thằng Phác đánh lại bố để bảo vệ mẹ. Hoàn cảnh éo le, ngang trái của gia đình người đàn bà hàng chài diễn ra ngay trước mắt nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Người phụ nữ vùng biển cảm thấy vô cùng đau đớn, tủi nhục vì điều chị lo sợ nhất đã xảy ra, bi kịch gia đình mà chị cố tình cam chịu, che giấu bấy lâu nay đã bị phơi bày trước mặt một người lạ (nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng).
- Về nghệ thuật: 
+ Để khắc họa chi tiết dòng nước mắt, Kim Lân sử dụng hình thức diễn đạt trực tiếp, giản dị, cách miêu tả vô cùng chân xác kẽ mắt kèm nhèm - rỉ hai dòng nước mắt - những giọt nước mắt hiếm hoi của bà mẹ nghèo đã khô cạn nước mắt. 
+ Nguyễn Minh Châu dùng cách diễn đạt ví von, hình ảnh thằng nhỏ - viên đạn bắn – xuyên qua tạo sự liên tưởng những dòng nước mắt đang rỏ xuống của người đàn bà là những dòng máu. Sự đau đớn được đẩy tới tận cùng, tạo những ám ảnh sâu sắc.
4. Đánh giá. (0,5 điểm)
- Cùng viết về những giọt nước mắt - giọt châu của loài người, mỗi tác giả lại có những khám phá riêng, thể hiện tài năng, tấm lòng của những nhà văn mẫn cảm và đôn hậu luôn trăn trở với con người, cuộc đời.
Câu 2. (6,0 điểm)
A. Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài nghị luận xã hội, bố cục mạch lạc, rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng cụ thể, sinh động, văn giàu cảm xúc, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt.
B. Yêu cầu về kiến thức: 
Thí sinh có thể có những kiến giải, đánh giá theo quan điểm riêng của mình song cần lôgic, hợp lí. Cần nêu những ý cơ bản sau:
1. Nêu vấn đề cần nghị luận. (0,5 điểm)
2. Giải thích. (1,5 điểm)
- Điều quan trọng: những vấn đề cơ bản, gốc rễ của vấn đề, có ảnh hưởng đến những quyết định trong cuộc sống. 
- Những gì xảy đến với cuộc sống của bạn; những biến cố: những sự kiện, tình huống quan trọng có thể là những thành công, bước ngoặt lớn trong cuộc đời; có thể là những thử thách, khó khăn, những bất hạnh, vấp ngã đến với cuộc sống của mỗi con người.
- Cách nhìn: quan điểm, ý thức, thái độ của mỗi cá nhân.
=>Ý kiến khẳng định vai trò của ý chí nghị lực, quan điểm, thái độ con người trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống, đặc biệt là những khó khăn thử thách, bất hạnh.
3. Bàn luận. (3,0 điểm) 
- Khẳng định: 
+ Cuộc sống luôn tiềm ẩn bao điều bất ngờ, bên cạnh những điều tốt đẹp, những thành công, hạnh phúc là những khó khăn thử thách, bất hạnh, những biến cố, nghịch cảnh éo le. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. 
+ Trước những điều tốt đẹp, may mắn, thành công, con người có thể có cái nhìn thái độ trân trọng, gìn giữ, phát huy. Mặt khác, có người chủ quan, quá tin tưởng vào năng lực bản thân mình.
+ Trước những thử thách, khó khăn của cuộc sống, con người thường có hai thái độ cách nhìn. Một là cái nhìn bi quan chán nản, sợ hãi, đổ lỗi cho số phận, hoàn cảnh, buông xuôi, gục ngã. Hai là cái nhìn thẳng thắn chấp nhận biến cố khó khăn như một phần tất yếu của cuộc sống, biến nghịch cảnh trở thành cơ hội để rèn luyện, khẳng định bản thân mình. 
=> Điều quan trọng không phải là bản thân các biến cố mà quan trọng là thái độ cách nhìn, cách chúng ta vượt qua những biến cố cuộc đời. 
- Mở rộng:
+ Thử thách lớn nhất của con người chính là ý thức, thái độ của mình. Nếu thiếu ý chí, niềm tin, thiếu cái nhìn thẳng thắn, lạc quan tin vào bản thân mình con người sẽ gục ngã trước những khó khăn dù chỉ là rất nhỏ.
+ Mặt khác, nếu điều xảy đến là điều may mắn, sự thành công nhanh chóng, nếu tự bằng lòng về mình, chủ quan, dựa dẫm, thì điều may mắn ấy có thể trở thành liều thuốc độc tiêu diệt ý chí nghị lực vươn lên.
+ Phê phán những kẻ sống ươn hèn gục ngã trước khó khăn thử thách, đổ lỗi cho ngoại cảnh vì sự thất bại của chính mình, không có niềm tin vào bản thân, vào cuộc đời; những người ngủ quên tự mãn trong thành công, may mắn.
4. Bài học nhận thức, hành động. (1,0 điểm)
- Phải biết chấp nhận thử thách, có cái nhìn đúng đắn coi khó khăn thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống. Đồng thời không chủ quan, tự mãn trước những thành công đạt được. 
- Phải sống có ý chí nghị lực, có lí tưởng khát vọng, có niềm tin vào bản thân, quyết tâm đạt mục đích để tạo nên sức mạnh vượt lên mọi biến cố cuộc đời. 
Mỗi luận điểm cần lấy dẫn chứng trong thực tế để minh họa. 
C. Biểu điểm:
- Điểm 6: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc.
- Điểm 4-5: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, ít mắc lỗi.
- Điểm 3-4: Đáp ứng được khoảng ½ yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 1-2: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, nhiều lỗi diễn đạt.
Điểm hình thức trong điểm nội dung.
Câu 3. (10 điểm)
A. Yêu cầu về kĩ năng: Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học. Bố cục rõ ràng, thuyết phục, có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp vấn đề. Diễn đạt trôi chảy, câu văn sáng rõ, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. 
B. Yêu cầu về kiến thức: 
Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau miễn là biết vận dụng kiến thức lí luận về quá trình phát triển văn học, về mối quan hệ giữa thơ ca dân gian với thơ Việt Nam hiện đại để lí giải vấn đề; biết phân tích để làm nổi rõ dấu ấn dân gian ở bài thơ Viêt Bắc của Tố Hữu. Bài viết cần đáp ứng được những yêu cầu sau:
1. Giới thiệu vấn đề. (1,0 điểm)
- Trong quá trình phát triển, văn học viết có mối quan hệ chặt chẽ với văn học dân gian. Nhiều tác giả văn học Việt Nam hiện đại đã thâu nhận giá trị văn học trong kho tàng ca dao, dân ca và tạo nên những giá trị mới, đặc sắc, độc đáo.
- Việt Bắc - Tố Hữu là khúc hát tâm tình, gợi lại những kỉ niệm gắn bó vô cùng sâu sắc, thủy chung giữa Việt Bắc và cách mạng. Bài thơ được triển khai theo hình thức đối đáp giao duyên truyền thống của ca dao. Tuy nhiên, trên cái nền truyền thống quen thuộc ấy, bài thơ vẫn truyền tải được những vấn đề tư tưởng lớn lao của thời đại.
2. Dấu ấn thơ ca dân gian trong thơ hiện đại. (2,0 điểm)
- Một trong những quy luật của quá trình văn học là văn học phát triển trong sự kế thừa và cách tân. Văn học dân gian là cội nguồn, nền tảng, là cơ sở sáng tạo của văn học viết và có ảnh hưởng rõ nét đến thơ ca Việt Nam hiện đại.
- Dấu ấn thơ ca dân gian trong thơ hiện đại được biểu hiện ở cả phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
+ Nội dung: phản ánh đời sống tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam: tình yêu thiên nhiên; tình yêu đất nước; sống ân nghĩa, thủy chung giàu tình yêu thương con người...
+ Nghệ thuật: Sử dụng các phương thức nghệ thuật trong thơ ca dân gian: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa một cách sáng tạo vào thơ hiện đại. Tiếp thu và sáng tạo thể thơ lục bát truyền thống: số tiếng, vần, nhịp, hài thanh Vận dụng và sáng tạo từ ngữ, hình ảnh,... quen thuộc trong thơ ca dân gian.
- Việc sử dụng chất liệu thơ ca dân gian trong thơ hiện đại khẳng định tài năng của các nhà thơ hiện đại trong việc kế thừa và vận dụng sáng tạo thơ ca dân gian, tình yêu với văn học truyền thống cùng những giá trị văn hóa của dân tộc.
3. Dấu ấn thơ ca dân gian trong đoạn trích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. (6,0 điểm)
a. Về nội dung. (2,0 điểm) 
- Tình nghĩa của cán bộ chiến sĩ với đồng bào Việt Bắc với cách mạng, kháng chiến với Bác Hồ là ân tình cách mạng, thắm đượm nghĩa tình, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ. Tình cảm ấy hoà nhập tiếp nối vào nguồn mạch tình cảm yêu nước, đạo lí ân tình thuỷ chung, son sắt vốn là những quan niệm đạo lí và cách sống đã thành truyền thống của dân tộc và được thể hiện sâu đậm trong ca dao, dân ca..
- Trong đoạn trích “Việt Bắc” phảng phất phong vị những bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp đất nước, các địa danh gắn với chiến công lừng lẫy của quân dân cách mạng. Bức tranh thiên nhiên hoà quyện với con người với đủ màu sắc, âm thanh, đường nét và ánh sáng.
b. Về nghệ thuật. (3,0 điểm)
- Kết cấu: 
+ Bài thơ kết cấu theo lối đối đáp quen thuộc của ca dao, dân ca. Cách cấu tứ này trong ca dao, dân ca dùng để diễn tả những tâm trạng của tình yêu, tình nghĩa riêng tư đã được Tố Hữu vận dụng sáng tạo vào việc thể hiện những nghĩa tình cách mạng rộng lớn.
+ Lối đối đáp quen thuộc của ca dao, dân ca đã dẫn người đọc vào câu chuyện nghĩa tình cách mạng. Cuộc chia tay lưu luyến có kẻ ở người đi, có lời giao duyên tỏ bày tình cảm hồi tưởng, hoài niệm, ước vọng, tin tưởng, ân nghĩa thủy chung. Chuyện ân tình cách mạng, kháng chiến đã trở thành câu chuyện tình yêu, ân nghĩa cội nguồn. 
- Thể thơ lục bát nhuần nhuyễn được vận dụng tài tình vừa thống nhất lại biến hoá đa dạng, lúc dung dị gần với ca dao, lúc cân xứng nhịp nhàng trau chuốt mà trong sáng nhuần nhị đến độ cổ điển. 
- Giọng điệu, âm điệu ngọt ngào, êm ái trở đi trở lại nhịp nhàng. Các tiểu đối của ca dao vừa có tác dụng nhấn mạnh ý vừa tạo nên nhịp thơ uyển chuyển, cân xứng hài hoà. Lối trùng điệp của ngôn ngữ dân gian mình về mình có nhớ ta - mình về có nhớ chiến khu, nhớ sao lớp học, nhớ sao ngày tháng, nhớ sao tiếng mõ rừng chiềuCác từ ngữ diễn tả trạng thái tình cảm trở đi trở lại: nhớ, mình, ta Tất cả tạo giọng trữ tình thiết tha êm ái, ngọt ngào như âm hưởng lời ru.
- Nhiều hình ảnh ước lệ quen thuộc của ca dao, dân ca được Tố Hữu sử dụng rất thích hợp với khung cảnh và tâm trạng trong đoạn trích của bài thơ Việt Bắc: nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn; nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêuÁo chàm đưa buổi phân li; Trám bùi để rụng măng mai để già 
- Ngôn từ: 
+ Trong ca dao, “ta”, “mình” được dùng để diễn tả tình cảm lứa đôi nhưng ở đây Tố Hữu lại dùng để diễn tả tình cảm quân dân, tình kháng chiến giữa người cách mạng và chiến khu Việt Bắc. Đại từ mình - ta quen thuộc trong ca dao trữ tình nhưng được sử dụng rất biến hoá, chuyển hoá đa nghĩa, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, khi hoà nhập khi tách biệt. Đại từ mình - ta thể hiện sự hoà quyện gắn bó không thể tách rời; tấm lòng son sắt thuỷ chung của người kháng chiến với nhân dân đất nước.
+ Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên trong sáng, tựa những lời tâm tình của những đôi lứa trong ca dao, dân ca, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất sinh động, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
+ Các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của ca dao, dân ca (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa...) được nhà thơ sử dụng một cách nhuần nhuyễn tạo nên phong vị dân gian và chất cổ điển của bài thơ.
c. Ý nghĩa. (1,0 điểm) 
- Dấu ấn thơ ca dân gian đã đem lại nét đẹp giàu tính dân tộc, tính truyền thống cho Việt Bắc - một đỉnh cao trong sáng tác của Tố Hữu. 
- Tố Hữu đã kế thừa và cách tân, sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân gian để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm chính trị, cách mạng một cách hài hòa sâu sắc. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu, tạo nên sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu với muôn thế hệ. 
4. Đánh giá. (1,0 điểm)
- Việt Bắc là thi phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại mang đậm dấu ấn thơ ca dân gian, thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết:“văn học dân gian là cội nguồn của văn học viết”.	
- Kế thừa đi đôi với cách tân đã làm nên giá trị, sức sống cho tác phẩm văn học, làm nên phong cách tác giả, mang đến một diện mạo mới cho một giai đoạn, thời kì văn học và cả một nền văn học.
C. Biểu điểm.
- Điểm 9-10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, khuyến khích bài làm có hiểu biết, suy nghĩ, cảm thụ sâu sắc, sáng tạo.
- Điểm 7-8: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, diễn đạt khá tốt, văn mạch lạc, trong sáng, còn mắc vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5-6: Hiểu và nắm được yêu cầu đề, bố cục mạch lạc, văn có cảm xúc, có thể vẫn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt. 
- Điểm 3-4: Hiểu và nắm được yêu cầu đề tuy chưa đáp ứng hết yêu cầu nhưng vẫn làm rõ trọng tâm, còn vài sai sót nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 1-2: Hiểu đề song khai thác chưa sâu, còn lúng túng khi giải quyết vấn đề, không xoáy được trọng tâm, diễn đạt còn lủng củng, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
	Điểm hình thức trong điểm nội dung.
------------Hết------------

Tài liệu đính kèm:

  • docĐề Van THPT.doc