Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện năm 2015 - 2016 môn: Ngữ văn 9

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 4048Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện năm 2015 - 2016 môn: Ngữ văn 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện năm 2015 - 2016 môn: Ngữ văn 9
PHÒNG GDĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS HỒNG DƯƠNG
--------------------------
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
	 Năm 2015- 2016
MÔN: NGỮ VĂN 9
Thời gian: 150 phút( Không kể thời gian giao đề)
Câu 1:(4 điểm) 
 Trong bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng ( viết về những người chiến sĩ của đoàn binh Tây Tiến- sáng tác năm 1948) có câu thơ:
“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Trong bài thơ” Đồng chí” của Chính Hữu cũng có câu:
“Đầu súng trăng treo”
 Hãy so sánh sự giống và khác nhau trong hai hình ảnh thơ ở hai câu thơ trên. Qua sự giống và khác nhau đó, em cảm nhận được gì về hình tượng người lính trong thơ ca Việt Nam.
Câu 2: (6 điểm)
 “Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt vào được bên trong cơ thể một con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát.
	Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp”
	(Theo Lớn lên trong trái tim của mẹ – Bùi Xuân Lộc – NXB Trẻ, 2005)
Bài học về cuộc sống mà em rút ra từ câu chuyện trên. ( Bài nghị luận không quá hai trang giấy thi )
Câu 3: (10 điểm)
	Thơ văn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, ngoài hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn mang nhịp thở của con người lao động mới.
	Bằng những hiểu biết về văn học giai đoạn này, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
 .HẾT..
HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG
MÔN: NGỮ VĂN 9
Câu
Đáp án
Điểm
1(4điểm)
*Nét giống nhau:
Hai câu thơ đều xuất hiện hình ảnh người lính gắn liền với cây súng. Cây súng là vũ khí chiến đấu của người lính. Hai hình ảnh gắn liền với nhau và xuất hiện nhiều trong thi ca Việt nam.Tuy vậy hình ảnh cây súng xuất hiện trong hai câu thơ trên không gợi lên sự ác liệt, dữ dội của chiến tranh mà vẫn mang đến cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, bình thản.
0,5
*Nét khác:
Ở câu thơ: Heo hút cồn mây súng ngửi trời” Hình ảnh người lính với cây súng được đặt trong không gian cao, rộng với “ cồn mây, trời”, gợi cho người đọc sự hình dung: người lính Tây Tiến leo dốc dài và gian khổ để lên được đỉnh núi rất cao.Hình ảnh “ súng ngửi trời” là hình ảnh nhân hóa gợi cho người đọc thấy được độ cao của núi, sự heo hút,âm u, mù mịt của cồn mây đồng thời thấy được cái dí dỏm, hài hước, tinh nghịch, hồn nhiên và tinh thần lạc quan vượt qua mọi khó khăn gian khổ của người lính Tây Tiến. Cách thể hiện ý thơ của Quang Dũng lãng mạn, hồn nhiên, phóng khoáng mà tài hoa.
1,5
 Câu thơ “ Đầu súng trăng treo” gợi một không gian yên tĩnh vắng lặng, người lính đứng gác mà trăng treo đầu súng. Súng và trăng gợi nhiều liên tưởng. Súng là vũ khí chiến tranh, trăng là biểu tượng hòa bình. Người lính chiến đấu để bảo vệ hòa bình cho đất nước. Câu thơ thể hiện khát vọng hòa bình của tác giả, của người chiến sĩ và của nhân dân ta.Hình ảnh thơ thể hiện sự lên tưởng, tưởng tượng phong phú. Cách diến đạt của chính Hữu: bình dị , mộc mạc mà không kém phần tinh tế.
1,5
Qua đó thấy được nét chung về hình tượng người lính trong thơ ca Việt nam: đó là những con người hồn nhiên, bình dị, yêu cuộc đời, yêu đất nước, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc
0,5
2(6điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng: Đảm bảo là một bài nghị luận xã hội, bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp...
* Yêu cầu về kiến thức: HS đạt được các nội dung cơ bản sau:
1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:
0,5đ
2. Phân tích, bàn luận vấn đề:
a. Tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện:
1,5
+ Hạt cát: biểu tượng cho những khó khăn và những biến cố bất thường là những yếu tố khách quan có thể xảy ra với con người bất kì lúc nào.
0,5
+ Con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cátbiến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp: biểu tượng cho con người biết thích nghi với hoàn cảnh mới và chấp nhận thử thách để đứng vững, biết vượt lên hoàn cảnh, tạo ra những thành quả đẹp cống hiến cho cuộc đời ( luôn luôn làm chủ hoàn cảnh và luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan).
0,5
=> Câu chuyện ngắn gọn nhưng trở thành bài học sâu sắc về thái độ sống tích cực; phải có ý chí và bản lĩnh, mạnh dạn đối mặt với khó khăn gian khổ. Luôn luôn làm chủ hoàn cảnh và chinh phục hoàn cảnh để đat được kết quả tốt đẹp mới.
0,5
b. Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện
2
Khẳng định câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh quan5 sâu sắc với mỗi người trong cuộc đời:
+ Những khó khăn, trở ngại vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, luôn vượt khỏi toan tính, dự định của con người. Vì vậy, mỗi người phải đối mặt, chấp nhận thử thách để đứng vững, phải hình thành cho mình nghị lực, niềm tin, sức mạnh để vượt qua (như con trai cũng đã cố gắng nỗ lực, không tống được hạt cát ra ngoài thì nó đối phó bằng cách tiết ra chất dẻo bọc quanh hạt cát ).
0,75
+ Khó khăn, gian khổ cũng là điều kiện thử thách và tôi luyện ý chí, là cơ hội để mỗi người khẳng định mình. Vượt qua nó, con người sẽ trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn. (Dẫn chứng về những con người vượt lên số phận làm đẹp cho cuộc đời).
O,75
+ Phê phán những người có lối sống hèn nhát, chấp nhận đầu hàng, buông xuôi, đổ lỗi cho số phận .
0,5
3. Khẳng định vấn đề và rút ra bài học trong cuộc sống:
2
+ Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, cũng thuận buồm xuôi gió. Khó khăn, thử thách luôn là quy luật của cuộc sống mà con người phải đối mặt.
0,5
+ Phải có ý thức sống và phấn đấu, không được đầu hàng, không được gục ngã mà phải can đảm đối đầu, khắc phục nó để tạo nên thành quả cho cuộc đời, để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
0,5
3(10điểm)
I. Kĩ năng:
- Học sinh hiểu đúng yêu cầu đề bài, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Bố cục rõ ràng, luận điểm khoa học, chặt chẽ, phép lập luận phù hợp.
- Lời văn chính xác, sinh động, có cảm xúc.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
II. Kiến thức:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những cảm nhận riêng, miễn là phù hợp yêu cầu của đề. Với đề bài này cần đảm bảo những ý sau:
1. Giải thích nhận định:
 - Hiện thực của đất nước ta từ 1945 đến 1975 là hiện thực của những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng cuộc sống mới đi lên chủ nghĩa xã hội của. Hiện thực đó đã tạo nên cho dân tộc Việt Nam một vóc dáng nổi bật: vóc dáng người chiến sĩ luôn trong tư thế chủ động chiến đấu chống kẻ thù, vóc dáng của con người mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hoà quyện tạo nên vẻ đẹp của con người dân tộc Việt Nam. Và điều này đã làm nên hơi thở, sức sống của văn học thời kì 1945 - 1975.
2. Chứng minh.
 a. Hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: họ là những con người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và nổi bật với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, với tình đồng đội cao cả, sắt son, tinh thần lạc quan...
	 - Họ là những con người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi như: người nông dân mặc áo lính (Đồng chí của Chính Hữu), những chàng trai trí thức vừa rời ghế nhà trường (Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật), những cô thanh niên xung phong (Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê), là em bé liên lạc (Lượm của Tố Hữu)...
 - Họ là những người lính, người chiến sĩ có lòng yêu nước sâu sắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. (dẫn chứng) 
 - Hoàn cảnh sống chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ song họ luôn có tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp... (dẫn chứng) 
 b. Hình ảnh người lao động mới: họ xuất hiện với tư cách là những người làm chủ cuộc sống mới, họ lao động, cống hiến một cách hăng say, hào hứng, sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì những lí tưởng cao cả và tương lai đất nước.
 - Người lao động trong "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy cận mang nhịp thở tươi vui, hăm hở, hoà mình cùng trời cao biển rộng: họ ra khơi với niềm hân hoan trong câu hát, với ước mơ trong công việc, với niềm vui thắng lợi trong lao động. Đó là những con người mang tầm vóc vũ trụ, hăm hở ra khơi bằng tất cả sức lực và trí tụê của mình.(Dẫn chứng).
 - "Lặng lẽ SaPa" của Nguyễn Thành Long mang nhịp thở của người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp (Dẫn chứng)
3. Đánh giá, bình luận:
	 Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Ở ngoài tiền tuyến khói lửa là hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường. Nơi hậu phương là những người lao động bình dị mang nhịp thở của thời đại mới. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Các tác giả văn học thời kì này họ đồng thời vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là người lính, người chiến sĩ, người lao động cầm bút để ngợi ca về con người dân tộc Việt với niềm say mê và tự hào. Họ đã làm nên vẻ đẹp và sức sống mới cho văn học Việt Nam.
2
2
2
2
2

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_HSG_VAN_9_2015_2016.doc