Đề kiểm tra kiến thức giáo viên - Năm học 2014 - 2015 - Trường TH Đồng Tuyến 2

doc 5 trang Người đăng duyenlinhkn2 Ngày đăng 22/07/2022 Lượt xem 143Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra kiến thức giáo viên - Năm học 2014 - 2015 - Trường TH Đồng Tuyến 2", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra kiến thức giáo viên - Năm học 2014 - 2015 - Trường TH Đồng Tuyến 2
TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐỒNG TUYỂN 2
ĐỀ KIỂM TRA KIẾN THỨC GIÁO VIÊN
NĂM HỌC 2014 - 2015
Ngày kiểm tra: 26/11/2014
Thời gian: 60 phút
	Câu 1: Trình bày nội dung và cách thức đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDDT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
	Câu 2: Đồng chí hãy nêu trách nhiệm của giáo viên trong việc thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDDT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
	Câu 3: Đồng chí hãy cho biết những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014-2015 của Trường TH Đồng Tuyển 2? Nêu các giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ đó.
	Câu 4: Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, theo đồng chí làm thế nào để thay đổi cách dạy chuyển từ mục tiêu “ nhồi nhét kiến thức”  sang mục tiêu “ dạy học hướng vào tạo năng lực” cho học sinh ?
TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐỒNG TUYỂN 2
ĐÁP ÁN KIỂM TRA KIẾN THỨC GIÁO VIÊN
NĂM HỌC 2014 - 2015
	Câu 1: Trình bày nội dung và cách thức đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDDT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
	Đáp án:
* Nội dung đánh giá
          1. Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
	2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh:
	a) Tự phục vụ, tự quản;
	b) Giao tiếp, hợp tác;
	c) Tự học và giải quyết vấn đề.
	3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh:
	a) Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;
	b) Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm;
	c) Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; 
	d) Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.
* Cách thức đánh giá: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ
 ( GV chỉ cần nêu những nội dung chính liên quan đến đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ)
	Điều 6. Đánh giá thường xuyên
	1. Đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện, của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục khác, trong đó bao gồm cả quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.
           2. Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân, nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện.
	Điều 7. Đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học, hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học
	1. Tham gia đánh giá thường xuyên gồm: giáo viên, học sinh (tự đánh giá và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ học sinh.
	2. Giáo viên đánh giá:
	a) Trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học, giáo viên tiến hành một số việc như sau:
	- Quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình dạy học;
	- Nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của học sinh;
	- Quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh; áp dụng biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Do năng lực của học sinh không đồng đều nên có thể chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành nhiệm vụ;
	b) Hàng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành; giúp đỡ kịp thời để học sinh biết cách hoàn thành;
	c) Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác  trong tháng;
	d) Khi nhận xét, giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên;
	đ) Không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên.
	3. Học sinh tự đánh giá và tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn:
	a) Học sinh tự đánh giá ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục khác, báo cáo kết quả với giáo viên;
	b) Học sinh tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.
	4. Cha mẹ học sinh tham gia đánh giá:
	Cha mẹ học sinh được khuyến khích phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện; được giáo viên hướng dẫn cách thức quan sát, động viên các hoạt động của học sinh hoặc cùng học sinh tham gia các hoạt động; trao đổi với giáo viên các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp, thuận tiện nhất như lời nói, viết thư.
	Điều 8. Đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển năng lực của học sinh 
         1. Các năng lực của học sinh được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện, hoạt động trải nghiệm cuộc sống trong và ngoài nhà trường.
	2. Hàng ngày, hàng tuần, giáo viên quan sát các biểu hiện trong các hoạt động của học sinh để nhận xét sự hình thành và phát triển năng lực; từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các năng lực riêng, điều chỉnh hoạt động để tiến bộ.
	Hàng tháng, giáo viên thông qua quá trình quan sát, ý kiến trao đổi với cha mẹ học sinh và những người khác (nếu có) để nhận xét học sinh, ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
	Điều 9. Đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển phẩm chất của học sinh 
	1. Các phẩm chất của học sinh được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện, hoạt động trải nghiệm cuộc sống trong và ngoài nhà trường.
	2. Hàng ngày, hàng tuần, giáo viên quan sát các biểu hiện trong các hoạt động của học sinh để nhận xét sự hình thành và phát triển phẩm chất; từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các phẩm chất riêng, điều chỉnh hoạt động, ứng xử kịp thời để tiến bộ.
Hàng tháng, giáo viên thông qua quá trình quan sát, ý kiến trao đổi với cha mẹ học sinh và những người khác (nếu có) để nhận xét học sinh, ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
	Điều 10. Đánh giá định kì kết quả học tập
	1. Hiệu trưởng chỉ đạo việc đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì.
	2. Đề bài kiểm tra định kì phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức độ nhận thức của học sinh:
	3. Bài kiểm tra định kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và điểm thập phân. 
 	Câu 2: Đồng chí hãy nêu trách nhiệm của giáo viên trong việc thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDDT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
	Đáp án: Điều 19. Trách nhiệm của giáo viên 
	1. Giáo viên chủ nhiệm:
	a) Chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá học sinh, chất lượng giáo dục học sinh trong lớp; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định; thực hiện nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh;
	b) Lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện hàng tháng;
	c) Cuối học kì I, cuối năm học hoặc khi được yêu cầu, có trách nhiệm thông báo đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh cho cha mẹ học sinh. Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của học sinh. Duy trì mối liên hệ với cha mẹ học sinh để phối hợp giáo dục học sinh.
	2. Giáo viên không làm công tác chủ nhiệm:
	a) Chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh  đối với môn học, hoạt động giáo dục theo quy định;
	b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp, cha mẹ học sinh lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện đối với môn học, hoạt động giáo dục;
	c) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh; nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh.
	Câu 3: Đồng chí hãy cho biết những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014-2015 của Trường TH Đồng Tuyển 2? Nêu các giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ đó.
	Đáp án: 
* Nhiệm vụ
	Năm học 2014 - 2015 là một năm học có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là năm học tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đồng thời là năm học tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, trường tiểu học Đồng Tuyển 2 thành phố Lào Cai tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
	1. Phát huy hiệu quả, tiếp tục thực hiện sáng tạo các cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Đề cao vai trò chủ động sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân CB,GV,NV. 
	2. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý chỉ đạo; nội dung và PPDH;  các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ,  kết hợp với khảo sát, đánh giá nhà giáo để có đội ngũ CBQL giáo viên tiểu học đủ khả năng đảm bảo thực thi công việc. Thực hiện  Mỗi đồng chí CBQL,GV,NV đăng ký và có hiệu quả 01 lĩnh vực chuyển biến nổi bật trong năm học; Nhà trường đăng ký và thực hiện có hiệu quả mô hình giáo dục tiểu học " Em yêu lịch sử Việt nam". Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, Tin học. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, trong dạy và học; nâng cao hiệu quả dạy học 2 buổi/ ngày.
	3. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục theo chuẩn KT- KN chương trình lớp học và Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học. Chỉ đạo dạy học theo vành đai chất lượng đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với từng nhóm vành đai. Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc giao lưu Toán tuổi thơ, giải Toán, Tiếng Anh qua mạng, giao lưu năng khiếu.
 	4. Duy trì và giữ vững chất lượng PCGD đúng độ tuổi mức độ 2, Duy trì vững chắc các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia mức I .Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, Hoàn thiện hồ sơ tự kiểm định chất lượng.
	5. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, rèn kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh.
	6. Làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội  nhằm phát huy và đẩy mạnh phong trào xã hội hoá GD theo tinh thần tự nguyện.
* Lĩnh vực tạo chuyển biến nổi bật:  Nâng cao hiệu quả Kiểm soát chất lượng
* Giải pháp: nêu giải pháp bản thân đã thực hiện
	Câu 4: Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, theo đồng chí làm thế nào để thay đổi cách dạy chuyển từ mục tiêu “ nhồi nhét kiến thức”  sang mục tiêu “ dạy học hướng vào tạo năng lực” cho học sinh?
Đáp án: 
	- Dạy học thông qua tổ chức hoạt động: chú trọng rèn luyện pp tư duy, tự học, pp giải quyết vấn đề.
	- Coi trọng vai trò chủ thể của học sinh, tạo môi trường học tập tương tác, hợp tác; đa dạng hóa phương thức học tập phù hợp với từng đối tượng học sinh.
	- Dạy học không áp đặt, coi trọng việc hướng dẫn HS tìm tòi, khám phá; coi trọng hứng thú trong học tập, coi trọng lợi ích của học sinh.
	- Coi trọng tự đánh giá kết hợp với đánh giá khách quan theo quá trình nhằm mục đích thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh.

Tài liệu đính kèm:

  • docde_kiem_tra_kien_thuc_giao_vien_nam_hoc_2014_2015_truong_th.doc