Đề kiểm tra khảo sát lớp 9 đầu năm học 2014 - 2015 môn Ngữ văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1167Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra khảo sát lớp 9 đầu năm học 2014 - 2015 môn Ngữ văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra khảo sát lớp 9 đầu năm học 2014 - 2015 môn Ngữ văn
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH THỦY
ĐỀ KIỂM TRA KHẢO SÁT LỚP 9 ĐẦU NĂM HỌC 2014-2015 
Đề chínhthức
 DD
Đ
 thức
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 60 phút (Không kể thời gian giao đề)
(Đề có 01 trang)
1. Câu 1 (2,0 điểm ): Những câu văn in đậm trong hai ví dụ sau thuộc kiểu câu gì (xét theo mục đích nói) và thuộc kiểu hành động nói nào?
	a. Chị Dậu rón rén bưng một bát đến chỗ chồng nằm:
	 - Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột. 
 	 (Ngô Tất Tố - Tắt đèn)
b. Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên, tươi cười hỏi:
 - Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không ? 	 (Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng) 
2. Câu 2 (2 điểm): Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
 ("Ông đồ" - Vũ Đình Liên) 
3. Câu 3 (6 điểm): Tục ngữ Việt Nam có câu: "Có chí thì nên".
	Em hiểu câu tục ngữ này như thế nào? Hãy bày tỏ quan điểm của em về vấn đề mà câu tục ngữ nêu ra. 
---------- HẾT ----------
Họ và tên học sinh:.................................................... 
(Cán bộ coi kiểm tra không cần giải thích gì thêm!) 
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH THỦY
HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI KHẢO SÁT ĐẦU NĂM HỌC 2014 - 2015
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9 
1- Câu 1 (2 điểm): 
- Câu a: Câu cầu khiến, hành động điều khiển
- Câu b : Câu nghi vấn, hành động hỏi
Mỗi câu xác định đúng cả hai yêu cầu: cho 1,0 đ
(Nếu HS chỉ xác định đúng hoặc kiểu câu, hoặc kiểu hành động nói thì cho 0,5 điểm)
2- Câu 2 (2 điểm): 
*Yêu cầu về hình thức: Học sinh trình bày thành đoạn văn ngắn, diễn đạt lưu loát, không gạch đầu dòng. 
*Yêu cầu về nội dung:
- Gọi tên biện pháp tu từ nhân hóa (Cho 0,5 điểm)
- Chỉ ra hình ảnh nhân hóa là hai hình ảnh giấy đỏ và nghiên mực; các từ ngữ cụ thể có tác dụng nhân hóa là: buồn, sầu. (Cho 0,5 điểm)
- Phân tích được tác dụng của biện pháp tu từ: 
+ Giấy, mực vốn là những vật vô tri đã được nhân hóa thành những thực thể có thần thái, linh hồn, tình cảm: không người dùng đến giấy đỏ trở nên bẽ bàng, vô duyên, sắc màu nhợt nhạt, tàn phai không “thắm” lên được; mực đã mài sẵn, nhưng cũng không được dùng đến nên lắng đọng lại bao sầu tủi và trở thành “nghiên sầu”. 
 (Cho 0,5 điểm) 
+ Không miêu tả trực tiếp tâm trạng ông đồ, nhưng bằng biện pháp nhân hoá, hai câu thơ đã nói lên một cách thấm thía nhất nỗi buồn tủi, xót xa trong lòng ông, và nỗi buồn trĩu nặng trong lòng ông đồ như lan tỏa, thấm sâu sang cả những vật vô tri vô giác. Đó cũng là nỗi niềm chung của những nhà nho thất thế. 
 (Cho 0,5 điểm)
3- Câu 3 (6 điểm): 
A- Yêu cầu chung về kĩ năng:
- HS nắm vững kĩ năng làm bài văn nghị luận:
+ Giải thích các khái niệm, ý nghĩa vấn đề.
+ Lí giải vấn đề tại sao như vậy.
+ Nêu suy nghĩ, phương hướng các hành động mà vấn đề gợi ra.
+ Khái quát, đánh giá được về ý nghĩa, giá trị của vấn đề.
+ Biết bình luận, đánh giá, bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề.
- Biết cách lập luận chặt chẽ, lô-gíc để làm nổi bật vấn đề, có lí lẽ xác đáng, thuyết phục.
- Biết chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu, nổi bật, sát hợp với vấn đề để căn cứ vào đó giải thích.
- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc. Dùng từ chính xác. Viết câu đúng ngữ pháp.
- Tạo được bố cục rành mạch, hợp lí.
B- Yêu cầu về nội dung kiến thức:
1- Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu được vấn đề, trích dẫn được câu tục ngữ:
- Có thể giới thiệu trực tiếp.
- Có thể giới thiệu từ kho tàng tục ngữ Việt Nam.
- Có thể giới thiệu từ vấn đề mà câu tục ngữ nêu ra (sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống, mối liên hệ giữa ý chí và sự thành công).
2- Thân bài:
a- Giải thích vấn đề
- Giải thích từ "Chí": là ý chí, là nghị lực và quyết tâm của con người. 
- Giải thích từ "Nên": làm được một việc gì đó, là sự thành công. 
- Giải thích cả câu "Có chí thì nên": Khẳng định chân lí: ai có nghị lực, có ý chí quyết tâm thì nhất định sẽ thành công trong mọi việc, dù là khó khăn nhất.
- Mối liên hệ giữa từ "chí" và từ "nên (hoặc "Tại sao có ý chí lại làm nên thành công?"): 
+ Vì nó tiếp thêm cho ta sức mạnh, khiến ta quên đi mọi khó khăn, trắc trở
+ Vì nó khiến ta có thêm động lực, thúc đẩy tinh thần ta vươn tới thành công. Khi có ý chí, không việc gì là không làm được.
	(HS có thể lấy các d/c: ví dụ như thầy Nguyễn Ngọc Kí đã bị mất một tay nhưng nhờ có nghị lực mà thầy đã vượt lên chính mình để trở thành một nhà giáo ưu tú ; Hay Ê-đi-xơn - ông vua của các phát mình đã từng đội sổ suốt nhưng năm đi học nhưng nhờ sự cố gắng, ông đã tạo nên bao nhiêu các phát minh vĩ đại cho nhân loại... và rất nhiều những tấm gương khác) 
- Cách rèn luyện tính kiên trì, rèn luyện ý chí
+ Phải đặt ra mục đích ban đầu, việc đặt ra mục đích cũng giống như một vạch đích để ta cố gắng đạt được.
+ Phải sắp xếp công việc phù hợp, tự nhắc nhở bản thân thực hiện nghiêm chỉnh các mục đích đề ra.
+ Hãy nhắc nhở bản thân biết "đứng lên" sau mỗi lần thất bại, không chán nản buông xuôi.
b- Bình luận, bày tỏ quan điểm
- Kiên trì, có chí là đức tính không thể thiếu của mỗi con người, giúp con người thành công trong mọi việc.
- Tạo lập tính tự lập, tính kiên trì và ý chí cho ta ngay từ lúc còn bé và rèn ta trở thành một người luôn biết cách để hoàn thành công việc.
- Trong học tập cũng cần có ý chí (HS bày tỏ quan điểm về ý chí trong học tập, phê phán những biểu hiện thiếu ý chí, lười biếng, thụ động...)
3- Kết bài 
- Câu tục ngữ đã nêu ra một bài học quý giá, thiết thực, nhắc nhở mỗi người, nhất là thế hệ trẻ, cần rèn luyện cho mình một ý chí, một bản lĩnh vững vàng trong cuộc sống.
C- Cách cho điểm
- Điểm 6 - 5: Bài làm tốt, đáp ứng được tất cả các yêu cầu đã nêu trên (hoặc có thể có một vài sơ xuất nhỏ về hình thức trình bày hay về lỗi chính tả)
- Điểm 4: Bài làm ở mức độ khá, hiểu vấn đề, viết đúng thể loại nghị luận, đảm bảo được những kiền thức cơ bản. Tuy vậy phần liên hệ mở rộng có thể chưa sâu, văn chưa thật giàu cảm xúc, còn mắc một vài lỗi chính tả hoặc lỗi diễn đạt, dùng từ...
- Điểm 3: Bài làm ở mức độ trung bình, hiểu và cảm nhận, đánh giá, bình luận về vấn đề còn sơ sài. Văn chưa có cảm xúc, còn diễn xuôi nhiều, mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi diễn đạt.
- Điểm 1- 2: Bài viết còn yếu về kĩ năng và hành văn, không hiểu được hết ý nghĩa của vấn đề, diễn xuôi lôm côm, dông dài, không có kiến thức. Mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.
- Điểm 0: Bài làm lạc đề hoặc không làm bài. 
* Lưu ý
(Trên đây là những gợi ý và định hướng chung. Giáo viên chấm cần vận dụng linh hoạt căn cứ cụ thể trên từng bài làm của học sinh cho hợp lí. Cần coi trọng kĩ năng giải thích, khả năng lập luận và lí lẽ HS đưa ra trong bài, cùng với cách diễn đạt).. 

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_KSCL_VAN_9_TT.doc