Đề kiểm tra học kỳ I năm học 2014-2015 tỉnh Đăk Nông môn: Ngữ văn lớp 12 - GDPT

doc 3 trang Người đăng khoa-nguyen Lượt xem 1457Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra học kỳ I năm học 2014-2015 tỉnh Đăk Nông môn: Ngữ văn lớp 12 - GDPT", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra học kỳ I năm học 2014-2015 tỉnh Đăk Nông môn: Ngữ văn lớp 12 - GDPT
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH ĐĂK NÔNG
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2014-2015
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 12 -GDPT
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
I. ĐỌC HIỂU (2.0 điểm)
 Đọc đoạn văn và thực hiện các yêu cầu sau:
Như con chim kỳ diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về cuộc sống đa dạng và phong phú của con người táo bạo trong khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ. Càng đọc, hồn tôi càng tràn đầy tinh thần lãng mạn và hăng hái. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tự tin hơn, làm việc hợp lý hơn và ngày càng ít để ý đến vô số  những chuyện bực mình trong cuộc sống.
Mỗi cuốn sách là những bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất, về sự thèm khát cuộc sống ấy 
                                                                                              	 (Trích – M.Gorki)
1. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên.
2. Hãy chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong cụm từ in đậm ở đoạn văn trên. 
3. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.
II. LÀM VĂN (8.0 điểm)
Câu 1: (3.0 điểm)
Hãy viết một bài văn (không quá 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm: Thầy là phù sa lặng lẽ.
Câu 2: (5.0 điểm) 
Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
 (Trích Tây Tiến - Quang Dũng)
---------------------------------------------------------
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. Đọc hiểu (2.0 điểm)
CÂU
NỘI DUNG
ĐIỂM
1
Nội dung: Tác động kỳ diệu của sách và việc đọc sách đối với con người
1.0
2
Biện pháp nghệ thuật: Ẩn dụ. 
0.5
3
Tác dụng: Chỉ những phần chưa hoàn thiện của con người, những phần chưa được giáo dục, còn mang tính bản năng...
0.5
II. LÀM VĂN (8.0 điểm)
Câu 1: (3.0 điểm)
Phần
NỘI DUNG
ĐIỂM
MB
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Dạy học luôn được xem là nghề cao quý, những người làm nghề dạy học luôn là những người phải hi sinh thầm lặng, đúng như quan niệm: Thầy là phù sa lặng lẽ.
0.25
TB
- Giải thích 
+ Thầy: là người có đủ năng lực, tài trí, nhân cách để dìu dắt, nâng đỡ, chỉ dẫn người học trên con đường chinh phục tri thức, khai mở tâm trí, bồi dưỡng tâm hồn 
+ Thầy là phù sa lặng lẽ: trong sự nghiệp giáo dục (sự nghiệp “trồng người”), người thầy xưa hay nay vẫn luôn miệt mài, âm thầm, khiêm tốn đem hết tài năng và tâm huyết để dạy dỗ học sinh nên người, để học trở thành những công dân có ích cho xã hội (như phù sa lặng lẽ bồi đắp cho cây trái tốt tươi, ruộng đồng trù phú).
1.0
- Bình luận 
+ Nhận xét: cách nói trên gợi liên tưởng mới mẻ, xác đáng, thể hiện thái độ trân trọng đối với phẩm chất, sứ mệnh, công lao khó nhọc cũng như sự hi sinh cao cả của người thầy. 
+ Liên hệ thực tế: dẫn chứng về những biểu hiện quan hệ tốt đẹp trong văn hoá giao tiếp giữa thầy và trò xưa – nay (nếu dẫn chứng những biểu hiện chưa tốt đẹp thì cũng phải nêu ý kiến để bác bỏ). 
1.0
- Bài học nhận thức, hành động
Mỗi học sinh, mỗi người và toàn xã hội đều phải biết ơn thầy cô giáo trong tư tưởng, thái độ và trong hành động. 
0.5
KB
Kết thúc vấn đề: Sự hi sinh thầm lặng của những người làm thầy làm cô là những đóng góp lớn góp phần ươm mầm tí tuệ, dựng xây đất nước.
0.25
Câu 2: (5.0 điểm) 
Phần
NỘI DUNG
ĐIỂM
* Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Kết cấu bài viết chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Chữ viết rõ ràng, cẩn thận.
* Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Cụ thể:
MB
 - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bao trùm bài thơ là nỗi nhớ, đoạn thơ này là nỗi nhớ về hình ảnh đoàn quân Tây Tiến.
0.5
TB
- Vẻ đẹp của ngoại hình đầy ấn tượng
+ Người lính có nét khác thường, nhưng toát lên vẻ đẹp oai phong dữ dội(không mọc tóc, dữ oai hùm).
1.0
- Vẻ đẹp của tâm hồn hào hoa lãng mạn.
+Trong gian khổ vẫn mộng mơ, mộng giết giặc, mơ về quê hương với hình bóng những giai nhân tài sắc.
1.0
- Vẻ đẹp của phẩm chất chiến đấu hy sinh quyên mình vì Tổ quốc
+ Dù đối mặt với cái chết, nhưng họ không lùi bước, họ quyết tử cho Tổ quốc.
+ Họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, chết là sự trở về với đất mẹ .
1.0
- Nét độc đáo về nghệ thuật: 
+ Kết hợp bút pháp hiện thực và lãng mạn với nghệ thuật đối lập để khắc họa vẻ đẹp kiêu hùng, lẫm liệt.
+ Tô đậm cái bi hùng, bi tráng bằng một loạt biện pháp nghệ thuật độc đáo (dùng từ Hán Việt diễn tả cái chết cao quý, nói giảm diễn tả cái chết nhẹ nhàng)
1.0
KB
Kết vấn đề:
 Bằng bút pháp hiện thực và lãng mạn, đoạn thơ đã xây đựng thành công chân dung về người lính Tây Tiến với vẻ đẹp kiêu hùng, lẫm liệt góp phần làm nên bức tượng đài bi tráng về người lính trong kháng chiến chống Pháp.
0.5

Tài liệu đính kèm:

  • docDE dap an ngu van_GDPT.doc