Đề kiểm tra học kì I Ngữ văn lớp 6 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Vĩnh Tường

doc 3 trang Người đăng dothuong Lượt xem 541Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra học kì I Ngữ văn lớp 6 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Vĩnh Tường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra học kì I Ngữ văn lớp 6 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Vĩnh Tường
PHÒNG GD&ĐT
VĨNH TƯỜNG
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2016-2017
Môn: Ngữ văn - Lớp 6
Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)
I. Phần trắc nghiệm (2 đ). 
Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bằng cách chọn chữ cái trước câu trả lời đúng:
Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong, lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.
Câu 1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào?
A. Em bé thông minh.
B. Sơn Tinh, Thủy Tinh.
C. Thạch Sanh.
D. Thánh Gióng.
Câu 2. Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gì?
A. Tự sự.
B. Miêu tả.
C. Biểu cảm.
D. Nghị luận.
Câu 3. Cụm từ nào trong câu văn sau là cụm danh từ?
Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.
A. Tráng sĩ bèn nhổ
B. những cụm tre cạnh đường
C. quật vào giặc.
D. những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.
Câu 4. Chi tiết sau đây có ý nghĩa gì?
“Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.”
A. Hình ảnh Gióng bất tử trong lòng nhân dân.
B. Gióng xả thân vì nghĩa lớn, không hề đòi hỏi công danh, phú quý.
C. Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương, xứ sở.
D. Cả A, B và C
II. Phần tự luận (8 đ).
Câu 5. Thế nào là truyện ngụ ngôn? Kể tên các truyện ngụ ngôn mà em đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn 6 (Tập 1) ?
Câu 6. Hãy giải nghĩa của các từ “xuân” trong câu thơ sau và cho biết từ “xuân” nào được dùng theo nghĩa gốc, từ “xuân” nào được dùng theo nghĩa chuyển? 
 Mùa xuân là tết trồng cây
 Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
 (Hồ Chí Minh)
Câu 7. Mẹ là người đã sinh ra em, là người dìu dắt, che chở cho em trong cuộc sống. Hãy viết một bài văn kể về mẹ của em?
PHÒNG GD&ĐT
VĨNH TƯỜNG
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2016-2017
Môn: Ngữ văn - Lớp 6
Phần I. Trắc nghiệm: ( 2,0 điểm). Trả lời đúng mỗi câu được 0,5 điểm.
Câu
1
2
3
4
Đáp án
D
A
B
D
Phần II. Tự luận. ( 8 điểm).
Câu 5 (1,5 điểm):
- Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống. (0,5 điểm)
- Các truyện ngụ ngôn đã học và đọc thêm: (1 điểm)
+ Ếch ngồi đáy giếng.
+ Thầy bói xem voi.
+ Đeo nhạc cho mèo.
+ Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.
Câu 6 (1,5 điểm):
- Từ “xuân” trong câu 1 được dùng theo nghĩa gốc (0,25 điểm): Chỉ một mùa trong năm, mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, thời tiết ấm dần lên, thường được coi là mở đầu của một năm.(0,5 điểm)
- Từ “xuân” trong câu 2 được dùng theo nghĩa chuyển ( 0,25 điểm): Chỉ sự tươi đẹp, giàu có, tươi mới của đất nước.(0,5 điểm)
Câu 7 (5 điểm):
* Yêu cầu chung: HS biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về văn kể chuyện để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, kể phải phù hợp với đời sống thực tế. Văn viết có cảm xúc, chân thực, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a. Mở bài: (0,5 điểm) 
- Giới thiệu chung về mẹ em. 
b. Thân bài: ( 4 điểm ) 
- Giới thiệu về mẹ qua hình dáng, tuổi tác, tính tình, công việc.
- Kể về sở thích của mẹ.
Kể về sự quan tâm, chăm sóc của mẹ đối với cả nhà. 
Kể về tình yêu thương đặc biệt mà mẹ dành cho em (có thể kể một kỉ niệm sâu sắc giữa em và mẹ)
c. Kết bài: (05 điểm) 
- Nêu tình cảm, ý nghĩ của em đối với mẹ.
Thang điểm: 
- Điểm 4-5: bài viết tốt, diễn đạt rõ, trình bày sạch đẹp, bố cục khá chặt chẽ, gợi cảm xúc cho người đọc. 
- Điểm 3-3,5: bài viết khá tốt, diễn đạt rõ, trình bày sạch đẹp, bố cục khá chặt chẽ .
- Điểm 2-2,5: kiến thức, kĩ năng làm bài ở mức trung bình .
- Điểm 1-1,5: chưa đạt yêu cầu về kiến thức, kĩ năng. 
- Điểm 0,5-1: kiến thức, kĩ năng quá yếu, chữ viết quá cẩu thả.
* Lưu ý: Trên đây là một số gợi ý chung mang tính định hướng. Các giám khảo chấm cần linh hoạt. Cần chú ý khuyến khích những bài viết hiểu đề, có chất văn, diễn đạt tốt.

Tài liệu đính kèm:

  • docKiểm tra HK1 Văn 6 Vĩnh Tường 2016-2017.doc