Đề kiểm tra cuối học kì I Tiếng việt lớp 5 phần Viết - Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 452Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra cuối học kì I Tiếng việt lớp 5 phần Viết - Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra cuối học kì I Tiếng việt lớp 5 phần Viết - Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu
TRƯỜNG TH NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
III. Chính tả
Nhận biết (Mức 1)
I. Tiếng Việt (Viết)
1. Chính tả nghe-viết: Bài chính tả nghe - viết có độ dài khoảng 100 chữ/15 phút
Bài : Cánh đồng quê Bác.
 Trước mắt chúng tôi,giữa hai dãy núi là nhà Bác với cánh đồng quê Bác. Nhìn xuống cánh đồng có đủ các màu xanh: xanh pha vàng của ruộng mía, xanh rất mượt của lúa chiêm đương thời con gái, xanh đậm của những rặng tre; đây đó một vài cây phi lao xanh biếc và rất nhiều màu xanh khác nữa.
Cả cánh đồng thu gọn trong tầm mắt, làng nối làng, ruộng tiếp ruộng. Cuộc sống ở đây có một cái gì mặn mà, ấm áp.
 Hoài Thanh – Thanh Tịnh
 Bài: Nhạc rừng
 Cho tới bây giờ tiếng rừng đã vang động, nắng đã vàng ửng. Con khướu bách thanh ẩn kín đâu đó hót mãi không thôi. Giọng hót thánh thót, kiêu kì nghe say đắm ngỡ tưởng chính nhờ bài hát tuyệt diệu đó mà rừng gọi được ánh nắng từ xa trở lại. Tiếng hú của bầy vượn đen lúc thoáng xa, lúc gần gụi rành rọt, không rõ hẳn chúng đang cơn vui hay gặp nỗi buồn. Những cặp chào mào hiếu động thoắt đậu, thoắt bay, liến thoắng gọi nhau choách choách.
 Hải Hồ.
 Bài: Mùa xuân về bản.
 Mùa xuân ở bản Vua Bà thật vui. Tiếng khèn bè, tiếng tiêu chuốt trong lòng những ống trúc quý dìu dặt suốt đêm. Bóng đêm mùa xuân cũng đen óng ánh ảo huyền, và càng khuya càng ngào ngạt mùi thơm của hương lá, hương cây. Đêm xuân, những con chim hót đến khiếp. Chúng không chịu ngủ, cứ hót thâu đêm suốt sang. Có những con chim mái, sau mùa xuân người rạc đi, lúc bấy giờ mới chịu lặng lẽ đi kiếm ăn cùng chồng con.
 Theo Nguyễn Phan Hách.
 Bài: Núi Bà Đen
 Núi Bà Đen là một thắng cảnh của miền sơn cước Tây Ninh.
 Những buổi bình minh, mặt trời còn bẽn lẽn núp sau sườn núi,phong cảnh nhuộm những màu sắc đẹp lạ lùng. Hòn núi từ màu xám xịt đổi ra màu tím sẫm; từ màu tím sẫm đổi ra màu hồng; rồi từ màu hồng lần lần đổi ra màu vàng nhạt. Cho đến lúc mặt trời chễm chệ ngự trị trên chòm mây, ngọn núi mới trở lại màu xanh biếc thường ngày của nó.
 Theo Thâm Thệ Hà
 Bài: Sa Pa
 Sa Pa nằm ở lung chừng núi Hoàng Liên Sơn. Giống như đà Lạt của Tây Nguyên, Sa Pa là vườn hoa trái ôn đới giữa thiên nhiên Việt Nam nhiệt đới, là đất của rừng già và chim thú, lắm thác và mây,một nơi nghỉ mát kì thú.
 Sa Pa một năm có thể thấy cả bốn mùa. Mùa thu, trời đất mờ ảo trong mây. Mùa đông, có năm tuyết phủ trắng núi rừng. Mùa xuân, hoa nở khắp triền núi và vườn nhà. Mùa hè, không khí trong lành mát rượi.
 Theo Lãng Văn.
 Bài: Lời khuyên của bố.
 Con yêu quý của bố!
 Học quả là khó khăn, gian khổ. Bố muốn con đến trường với lòng hăng say và niềm phấn khởi Con hãy tưởng tượng nếu phong trào học tập bị ngừng lại thì nhân loại sẽ bị chìm đắm trong cảnh ngu dốt, trong sự dã man.
Hãy can đảm lên, hỡi người chiến sĩ của đạo quân vĩ đại! Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường! Hãy coi sự ngu dốt là thù địch. Bố tin rằng con luôn luôn cố gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy.
 Theo A-mi-xi
Bài: Rừng phương Nam
 Rừng cây im lặng quá. Một tiếng lá rơi lúc này cũng có thể khiến người ta giật mình. Lạ quá, chim chóc chẳng nghe con nào kêu. Hay vừa có tiếng chim ở một nơi nào xa lắm mà tôi không nghe chăng?
 Gió bắt đầu nổi rào rào cùng với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi đất nhè nhẹ tỏa lên phủ mờ những cây cúc áo, rồi tan dần theo hơi ấm mặt trời. Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần dần biến đi.
Theo Đoàn Giỏi
Bài: Mùa xuân đến
	Mùa xuân đã đến. Những buổi chiều ửng ấm, từng đàn chim én từ dãy núi biếc đằng xa bay tới, lượn vòng trên những bến đò, đuổi nhau xập xè chung quanh những mái nhà tỏa khói. Những ngày mưa phùn, người ta thấy trên bãi soi dài nổi lên đây đó giữa sông, những con giang, con sếu cao gần bằng người, không biết từ đâu về, theo nhau lững thững bước thấp thoáng trong bụi mưa trắng xóa. Có những buổi cả quãng sông phía gần chân núi bỗng rợp đi vì hàng nghìn đôi cánh của những đàn sâm cầm tới tấp sà xuống, chẳng khác nào những đám mây bỗng rụng xuống, tan biến trong các đầm bãi rậm rạp lau sậy.
Theo Nguyễn ĐìnhThi
Bài: Bà cụ bán hàng nước chè
 Gốc bàng to quá, có những cái mắt to hơn cái gáo dừa, có những cái lá to bằng cái mẹt bún của bà bún ốc. Không biết cây bàng này năm chục tuổi, bảy chục tuổi hay cả một trăm tuổi. Nhiều người ngồi uống nước ở đây những lúc quán nước vắng khách đã ngắm kĩ gốc bàng, rồi lại ngắm sang phía bà cụ bán nước. Bà cụ không biết bao nhiêu tuổi giời, không biết bao nhiêu tuổi lao động, bán quán được bao nhiêu năm. Chỉ thấy đầu bà cụ bạc trắng, trắng hơn cả cái mớ tóc giả của các diễn viên tuồng chèo vẫn đóng vai các bà cụ nhân đức.
Theo NguyễnTuân
Bài: Rừng cọ quê tôi
 Chẳng có nơi nào như sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng.
Thân cọ vút thẳng trời hai ba chục mét cao, gió bão không thể quật ngã. Búp cọ vuốt dài như thanh kiếm sắc vung lên. Cây non vừa trồi, lá đã xòa sát mặt đất. Lá cọ tròn xòe ra nhiều phiến nhọn dài, trông xa như một rừng tay vẫy, trưa hè lấp lóa nắng như rừng mặt trời mới mọc. Mùa xuân, chim chóc kéo về từng đàn. Chỉ nghe tiếng hót líu lo mà không thấy bóng chim đâu.
 Căn nhà tôi ở núp dưới rừng cọ. Ngôi trường tôi học cũng khuất trong rừng cọ. 
 NguyễnThái Vận
Bài: Chim họa mi hót
	Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.
	Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.
 Theo Ngọc Giao
Bài: Núi rừng Trường Sơn sau cơn mưa
Mưa ngớt hạt, rồi dần dần tạnh hẳn. Màn mây xám đục trên cao đã rách mướp, trôi dạt cả về một phương, để lộ dần một vài mảng trời thấp thoáng xanh. Một vài tia nắng hiếm hoi bắt đầu mừng rỡ rọi xuống. Dưới mặt đất, nước mưa vẫn còn róc rách, lăn tăn, luồn lỏi chảy thành hàng vạn dòng nước mỏng manh, buốt lạnh. Từ trong các bụi rậm xa gần, những chú chồn, những con dũi với bộ lông ướt mềm, vừa mừng rỡ, vừa lo lắng, nối tiếp nhau nhảy ra rồi biến mất. 
Trích tập đọc lớp 5 – 1980 
Bài: Vịnh Hạ Long
	Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm : xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời. Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới.
	Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt , hấp dẫn lòng người . Mùa xuân cũa Hạ Long là mùa sương và cá mực. Mùa hè của Hạ Long là mùa gió nồm nam và cá ngừ, cá vược. Mùa thu của Hạ Long là mùa trăng biển và tôm he. 
Theo Thi Sảnh
Bài: Chợ HònGai
	Chợ Hòn Gai buổi sáng la liệt tôm cá. Những con cá song khỏe, vớt lên hàng giờ vẫn giãy đành đạch, vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con mình dẹt như hình con chim lúc sải cánh bay, thịt ngon vào loại nhất nhì. Những con cá nhụ béo núc, trắng lốp, bóng mượt như được quét một lớp mỡ ngoài vảy. Những con tròn, thịt căng lên từng ngấn như cổ tay của trẻ lên ba, da xám ánh, hàng chân choi choi như muốn bơi .
 Theo Thi Sảnh
Bài: Hoàng hôn trên sông Hương
 Mùa thu, gió thổi mây về phía cửa sông, mặt nước phía dưới cầu Tràng Tiền đen sẫm lại, trong khi phía trên này lên mãi gần Kim Long, mặt sông sáng màu ngọc lam in những vệt mây hồng của trời chiều. Hình như con sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng nên đến lúc tối hẳn, đứng trên cầu chăm chú nhìn xuống, người ta vẫn còn thấy những mảng sắc mơ hồng ửng lên như một thứ ảo giác trên mặt nước tối thẳm. Phố ít người, con đường ven sông như dài ra thêm dưới vòm lá xanh của hai hàng cây.
 Theo Hoàng Phú Ngọc Tường

Tài liệu đính kèm:

  • docTIENG VIET VIET.doc