BÀI VIẾT SỐ 2 –MÔN: NGỮ VĂN 12 Đề bài: I/PHẦN ĐỌC-HIỂU (3 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: “Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh. Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm. Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mắt. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về. Bạn của tôi ơi, tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, lúc chúng ta cùng ngồi chung một chiếc ghế mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn đã hát cho chúng ta nghe câu hát này: “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà” Tôi vẫn nhớ, cho đến bây giờ, bài hát ấy. Và tôi vẫn nghĩ rằng, nếu đã không nơi đâu có thể bằng được mái nhà mình, thì điều tối thiểu ta có thể làm cho ký ức của mình, là đừng để nhà trái nghĩa với bình yên. Và rằng đừng đợi đến khi ta “qua bao chốn xa” rồi mới thấy mình yêu thương nó, vì biết đâu, đến khi ấy thì ta đã không thể nào về lại được. ( Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân) Câu 1: (0,25 điểm)Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích? Câu 2: (0,75 điểm) Anh/chị hiểu thế nào về những câu văn sau: “Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh. Câu 3: (1 điểm)Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng “sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm”? Câu 4: (1 điểm)Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? (trả lời 5-7 dòng) II/PHẦN LÀM VĂN (7 điểm): Câu 1 (2 điểm): Lấy cảm hứng từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) với tiêu đề: Đừng để nhà trái nghĩa với bình yên. Câu 2 (5 điểm): Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: ... Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc, Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Rải rác biên cương mồ viễn xứ, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, Áo bào thay chiếu anh về đất, Sông Mã gầm lên khúc độc hành. (Trích Tây Tiến- Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập một) ----Hết----
Tài liệu đính kèm: