Đề khảo sát học sinh giỏi Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2013-2014 - Sở GD & ĐT Vĩnh Tường

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 684Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề khảo sát học sinh giỏi Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2013-2014 - Sở GD & ĐT Vĩnh Tường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề khảo sát học sinh giỏi Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2013-2014 - Sở GD & ĐT Vĩnh Tường
PHÒNG GD&ĐT VĨNH TƯỜNG
ĐỀ KHẢO SÁT HSG NĂM HỌC 2013-2014
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP: 8
Thời gian làm bài: 150 phút
Câu 1: (1đ) Chiếc lá thường xuân trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của O-hen-ri mà cụ Bơ men đã vẽ trong đêm mưa rét có phải là một kiệt tác không? Vì sao?
Câu 2: (3đ) Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
(Chợ tết – Đoàn Văn Cừ)
Câu 3: (6đ): Trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, nhân vật “tôi” đã suy ngẫm:
	“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi...toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương (...) Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.
Em hiểu thế nào về ý nghĩ trên của nhân vật “tôi” ?
Phân tích quá trình “cố tìm” để hiểu Lão Hạc của nhân vật “tôi”.
Cán bộ coi khảo sát không giải thích gì thêm
Họ và tên học sinh dự thi:;SBD:
PHÒNG GD&ĐT VĨNH TƯỜNG
HD CHẤM KHẢO SÁT HSG NĂM HỌC 2013-2014
MÔN: Ngữ văn LỚP: 8
Thời gian làm bài: 150 phút
Câu 1: Đáp án: 
	Các ý cơ bản cần có: 	
-	Chiếc là thường xuân mà cụ Bơ men đã vẽ trên bức tường trong đêm mưa rét chính là một kiệt tác vì: 
+ Chiếc lá y như thật
+ Chiếc lá ấy tạo ra sức mạnh, khơi dậy sự sống trong tâm hồn con người, cứu sống được Giôn – Xi
+ Chiếc lá ấy được vẽ bằng tình thương bao la và lòng hy sinh cao cả của người họa sỹ già Bơ – men.
Câu 2: 
Yêu cầu: 
+ Giới thiệu nội dung bốn câu thơ đầu của Đoàn Văn Cừ trong bài thơ “Chợ tết” miêu tả bức tranh thiên nhiên miền đồi núi trung du khi tết đến, xuân về với các biện pháp nghệ thuật đặc sắc (0,25đ)
+ Chỉ ra và phân tích hiệu quả các biện pháp tu từ. (2,5đ)
Biện pháp so sánh “sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa”. Hình ảnh giọt sương “rỏ” xuống như “giọt sữa” cho ta cảm nhận sự ngọt ngào, thơm mát, tinh khiết của giọt sương sớm mai. Đó là một sự liên tưởng độc đáo (có thể bình so sánh: “sương” khắc nghiệt trong “Chinh phụ ngâm”. “Sương như búa bổ mòn gốc liễu”)
Biện pháp nhân hóa: “tia nắng nháy”, “Núi uốn mình” “ mặc áo the”, “Đồi thoa son – nằm” Cảnh vật vô tri như được thổi vào trong nó một linh hồn trở nên sống động giống như con người: tia nắng như đứa trẻ tinh nghịch, reo vui, núi đồi như cô thiếu nữ đang làm duyên, làm dáng, uyển chuyển xinh đẹp hữu tình... Tất cả như muốn hòa vào dòng người cùng đi chợ tết.
Đoạn thơ sử dụng những từ giàu hình ảnh, các tính từ chỉ màu sắc “trắng, tía, xanh, đỏ (son), hồng (bình minh)” và các động từ “nhảy, uốn, thoa, nằm...” để góp phần tạo nên một bức tranh rộn rịp những hình sắc tươi vui.
Các biện pháp nghệ thuật đặc sắc đã tạo nên bức tranh sinh động, tươi tắn, có hồn và rực rỡ, đầy sức sống của thiên nhiên, gợi được cả cái náo nức, vui vẻ của thiên nhiên trong buổi sáng mùa xuân tươi đẹp.
Qua sự quan sát tinh tế, liên tưởng so sánh đầy thú vị và kỳ diệu của tác giả, ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ. (0,25đ).
Câu 3:
Yêu cầu chung:
	+ Về kỹ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận về tác phẩm truyện. Biết lựa chọn phân tích các chi tiết về nhân vật để làm nổi bật yêu cầu. Bài viết có bố cục mạch lạc, diễn đạt lưu loát.
	+	Về kiến thức: Làm rõ quá trình “cố tìm” để hiểu Lão Hạc của nhân vật “tôi” – tức là phân tích cái nhìn nhân đạo của Nam Cao về người nông dân.
	2.2. Dàn bài:
a) Đặt vấn đề:
	- Giới thiệu khái quát tác giả Nam Cao và tác phẩm Lão Hạc.
	- Đặc điểm của nhân vật: Ông Giáo – nhân vật xưng “Tôi” – là một trí thức nghèo, có nhân cách cao đẹp, vị tha, giàu tình yêu thương.
	- Dẫn đề.
b) Giải quyết vấn đề:
* Giải thích ý nghĩ của nhân vật “Tôi”:
	- Trước hết, suy ngẫm trên đã khẳng định một thái độ sống, một cách ứng xử mang tính nhân đạo: cần phải quan sát, suy nghĩ đầy đủ về những con người hàng ngày sống quanh mình, cần phải nhìn họ bằng lòng đồng cảm, bằng đôi mắt của tình thương, biết phát hiện và trân trọng, nâng niu những điều đáng thương, đáng quý ở họ.
- Thứ hai, suy ngẫm ấy đã nêu lên một phương pháp đúng đắn, sâu sắc khi đánh giá con người: Ta cần biết tự đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của họ thì mới có thể hiểu đúng, cảm thông đúng, phải biết đánh giá đúng bản chất của con người bên trong cái vỏ tưởng chừng như “lẩm cẩm, gàn dở..”
* Phân tích quá trình “cố tìm” để hiểu lão Hạc của “Tôi”.
Ý 1: Quá trình “cố tìm” để hiểu lão Hạc khi lão Hạc nói chuyện bán chó.
	+ Lúc đầu khi mới nghe lão Hạc nói chuyện bán chó, nhân vật “Tôi” rất dửng dưng.
Dẫn chứng: - Nghe đến nhàm.
So sánh với những quyển sách quý của mình...
→ Ông Giáo chưa hiểu lão Hạc, thờ ơ. Vả lại, ông là người hiểu biết từng trải thì chuyện bán một con chó vào thời buổi lúc ấy quả là rất nhỏ bé, bình thường.
	+ Khi nghe lão Hạc kể lai lịch con chó, “Tôi” bắt đầu xúc động, cảm thông.
Dẫn chứng: “Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu...ai mà chả phải buồn”
→ Ông giáo đã bắt đầu hiểu cảnh ngộ của lão Hạc, thương lão.
	+ Khi nghe lão Hạc kể lại chuyện đã bán chó như thế nào, “Tôi” thật sự xúc động, ái ngại.
Dẫn chứng: - Muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc “Bây giờ thì tôi không tiếc những quyển sách của tôi nữa”.
An ủi lão.
Mời ăn khoai, uống nước chè cho lão khuây khỏa.
→ Nhân vật “Tôi” không chỉ thấy hiểu tình cảnh cô đơn của lão Hạc mà còn phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn lão. Ấy là sự nhân hậu, độ lượng. “Tôi” quý trọng và thương lão.
	Như vậy, từ chỗ dửng dưng, thờ ơ, “Tôi” đã dần dần quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu và xúc động, cảm thông với cảnh ngộ của Lão Hạc, phát hiện ra những phẩm chất đẹp đẽ ở con người già nua tưởng chừng như lẩm cẩm ấy tình yêu thương con người tha thiết, sự nhân hậu vô cùng.
Ý 2: Quá trình “cố tìm” để hiểu lão hạc qua cái chết của Lão.
	+ Khi lão Hạc gửi tiền, vườn: Lúc đầu nhân vật “Tôi” ngạc nhiên rồi lo lắng cho lão.
Dẫn chứng: - Tôi bật cười bảo “Sao cụ ...”
“Có đồng nào ... lấy gì mà ăn?”
→ Ông càng hiểu rõ hơn, phát hiện thêm vẻ đẹp của nhân cách lão Hạc: giàu lòng tự trọng, trọng danh dự.
	+ Khi nghe chuyện lão Hạc xin bả chó: Nhân vật “Tôi” nghi ngờ, buồn.
Dẫn chứng: “Con người đáng kính ấy ... thêm đáng buồn”
→ Hiểu lắm nhân cách của lão Hạc: Một con người đáng kính đến thế, nhân hậu, giàu lòng tự trọng đến thế mà cũng bị tha hóa khi bị dồn đến đường cùng. 
	+ Khi chứng kiến cái chết của lão Hạc: Nhân vật “Tôi” đau đơn, xót xa.
Dẫn chứng: - Kêu lên: Lão Hạc ơi....
Hứa hẹn ....
→ Ông càng hiểu, càng thêm kính phục lão Hạc. Một người sống vì con, chết cũng vì con, thà chết để giữ trọn danh dự chứ không chịu theo con đường bất lương.
→ Tóm lại, quá trình “cố tìm” để hiểu lão Hạc của ông giáo là một quá trình phức tạp. Dửng dưng, thờ ơ → Hiểu → Cảm thông → Ngộ nhận → Vỡ lẽ → Tin tưởng. Đó là quá trình phát triển nhận thức của người trí thức về người nông dân trong giai đoạn 1930 – 1945.
* Đánh giá:
	- Nhân vật “Tôi” là người giàu lòng thương người, suy tư, trăn trở về lẽ sống ở đời, không có cái nhìn bề ngoài hời hợt về người khác, cố hiểu đúng và trân trọng những phần tốt đẹp ở người khác.
	- Ông là một trí thức có cuộc sống nghèo khổ như bao người khác trong xã hội. Ông gần gũi và am hiểu người nông dân, cảm thông, chia sẻ, thương xót và kính trọng họ. Ông cũng là một nhân cách cao cả, vị tha, độ lượng.
c) Kết thúc vấn đề:
	- Khẳng định suy ngẫm trên là cái nhìn nhân đạo, tiến bộ về người nông dân của nhà văn Nam Cao (Cái nhìn này trở thành chủ đề sâu sắc, nhất quán ở mọi sáng tác của Nam Cao như: “Đôi mắt:...).
	- Liên hệ bản thân: cái nhìn về cuộc sống, về những người xung quanh và thái độ đúng đắn trước mỗi vấn đề ấy.

Tài liệu đính kèm:

  • docks HSG VAN 8-Vĩnh Tuong1314.doc