Đề khảo sát học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 650Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề khảo sát học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề khảo sát học sinh giỏi huyện Ngữ văn lớp 8 - Năm học 2011-2012 - Phòng GD & ĐT Hưng Hà
UBND Huyện hưng hà
Phòng giáo dục và đào tạo
Đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện
năm học 2011 - 2012
Môn: ngữ văn 8
Thời gian làm bài: 120 phút ( Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (6,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của em về bài thơ “Ông đồ ” của Vũ Đình Liên:
 “ Mỗi năm hoa đào nở
 Lại thấy ông đồ già
 Bày mực tàu giấy đỏ
 Bên phố đông người qua.
 Bao nhiêu người thuê viết
 Tấm tắc ngợi khen tài
 “Hoa tay thảo những nét
 Như phượng múa rồng bay”
 Nhưng mỗi năm mỗi vắng
 Người thuê viết nay đâu ?
 Giấy đỏ buồn không thắm;
 Mực đọng trong nghiên sầu
 Ông đồ vẫn ngồi đấy,
 Qua đường không ai hay,
 Lá vàng rơi trên giấy;
 Ngoài giời mưa bụi bay.
 Năm nay đào lại nở,
 Không thấy ông đồ xưa.
 Những người muôn năm cũ
 Hồn ở đâu bây giờ ?”
 (Dẫn theo Ngữ văn 8, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
Câu 2: (14,0 điểm)
Danh họa Van Gốc - người Hà Lan nhận xét: "Không có gì nghệ thuật hơn bản thân lòng yêu quý con người". Đọc các sáng tác nghệ thuật trong trào lưu văn học hiện thực Việt Nam 1930 - 1945, ta càng thấm thía hơn vẻ đẹp của tình yêu con người trong cuộc sống. Dựa vào một số tác phẩm văn học hiện thực trong chương trình Ngữ văn 8, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
---Hết---
 Họ và tên thí sinh:Số báo danh
 UBND Huyện hưng hà
 Phòng giáo dục và đào tạo
hướng dẫn chấm
 đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện
Năm học : 2011 - 2012
Môn: Ngữ Văn 8 (Gồm 03 trang)
Câu 1: (6 điểm)
A. Yêu cầu: 
1. Về kỹ năng: Bài viết có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Diễn đạt lôgic, trong sáng, giàu cảm xúc. Chữ viết đẹp, không sai chính tả.
2. Về nội dung: Học sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, dưới đây là một hướng cảm thụ:
a. Cảm nhận chung về bài thơ.
b. Cảm nhận cụ thể:
b1. Cảm nhận cái hay về nội dung:
- Cảm nhận về hình ảnh ông đồ:
 Mỗi khi tết đến xuân về, ông đồ làm nên một nét đẹp của bức tranh xuân truyền thống. Màu đỏ của giấy, màu mực tàu, nhất là nét chữ như phượng múa rồng bay của ông dệt thành những bức tranh thư pháp đẹp như gấm hoa khiến bao người mê say, ngưỡng mộ. Ông đồ đã trở thành nhân vật trung tâm của chợ tết, một điểm nhấn của bức tranh xuân. Thời thế đổi thay, thị hiếu đổi thay; nét đẹp cũ vì thế phôi pha. Ông đồ ngồi đấy nhưng không ai hay. Ông lạc lõng cô đơn, vô nghĩa giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống. Sống trong mùa xuân, trong ngày Tết mà như sống nơi hoang mạc. Thiên nhiên mùa xuân vì thế cũng ảm đạm, tái tê như cõi lòng ông vậy.
- Cảm nhận về tấm lòng của nhà thơ: Nhân vật trữ tình luôn dõi theo, đồng cảm với ông đồ bằng tất cả niềm thương cảm chân thành. Tình cảm ấy khi bộc lộ kín đáo, khi trực tiếp giãi bày. Nhà thơ như vui cùng ông qua những lời thơ rộn ràng, náo nức lúc ông ở thời vàng sonNhà thơ xót xa khi ông đồ bị người đời quên lãng. Nỗi buồn thương thấm vào cảnh vật. Cuối cùng nhà thơ bật lên tiếng than khắc khoải, tiếng nấc nghẹn ngào nuối tiếc cho ông đồ, cho những người muôn năm cũ.
b2. Cảm nhận cái đẹp về nghệ thuật.
- Bài thơ Ông đồ được các nhà phê bình đánh giá là một trong năm bài thơ mới ngũ ngôn hay nhất. Thể thơ năm tiếng giàu tính tự sự kết hợp với giọng điệu trầm lắng, buồn thương tạo độ sâu cho cảm xúc. 
- Bài thơ có kết cấu đẹp, tự nhiên mà chặt chẽ, theo thời gian. Kết cấu đầu cuối tương ứng tạo sự ám ảnh về số phận con người “Thiên nhiên tàn phai rồi lại phục sinh; đời người tàn phai là chấm hết.” (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) 
- Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, hàm súc, biểu cảm, được thăng hoa bằng những phép tu từ như nhân hoá, câu hỏi tu từ 
- Bài thơ là thước phim ghi lại hình ảnh ông đồ - người nghệ sĩ sinh không gặp thời - di tích đáng thương của một thời tàn; bài thơ đánh thức ở mỗi chúng ta niềm cảm thương, sự trân trọng với lớp người như ông đồ, nuối tiếc nét văn hoá truyền thống đang phôi pha. Là một trí thức Tây học trẻ, sống trong giai đoạn Âu hoá mạnh mẽ, dữ dội nhưng Vũ Đình Liên lại có được một cái nhìn mới, một tình cảm nhân văn đáng quý - đó cũng là bài học cho người cầm bút và người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật suy ngẫm.
B. Biểu điểm:
	- Điểm 5 - 6: HS cảm nhận đầy đủ, sâu sắc và tinh tế các yêu cầu trên, diễn đạt trong sáng, giàu chất văn, chữ viết đẹp, không sai chính tả.
	- Điểm 3 - 4: Phát hiện khá đầy đủ, diễn đạt khá lưu loát.
	- Điểm 1 - 2: Cảm nhận, phát hiện được một vài chi tiết đúng, còn mắc một số lỗi diễn đạt; đôi chỗ nhầm sang diễn xuôi
	- Điểm 0: Bài để giấy trắng.
Câu 2: 14 điểm
A. Yêu cầu:
I. Về phương pháp:
	- Nắm được phương pháp làm bài văn chứng minh.
	- Bài viết có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.
	- Diễn đạt lôgic, trong sáng, có chất văn.
	- Chữ viết đẹp, đúng chuẩn chính tả.
II. Về nội dung:
	Bài viết bố cục theo nhiều cách. Dưới đây là một cách lập dàn ý
	1. Mở bài: 
 - Có thể nêu mục đích của văn chương.
	 - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận, trích dẫn nhận định.
	2. Thân bài:
2.1 Giải thích ngắn: 
+Là lời đề cao và khẳng định ý nghĩa của tình người, lòng yêu thương con người. Nó góp phần làm cho nghệ thuật thêm đẹp, thêm giá trị.
+ Tình người là một chủ đề xuyên suốt trong các sáng tác văn học mọi thời, góp phần làm nên giá trị sâu sắc của các tác phẩm.
	+ Văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930- 1945, bên cạnh chức năng phản ánh hiện thực xã hội với nhiều bất công, ngang trái, khổ đau với những bi kịch của con người; các sáng tác thời kỳ này còn tập trung khai thác và làm nổi bật vẻ đẹp của tình yêu thương giữa con người với con người. Tình cảm đó được thể hiện trong nhiều mối quan hệ: tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình cảm của các nhà văn dành cho con người với thái độ ngợi ca, trân trọng.
2.2 Chứng minh:
2.2.1 Trong các sáng tác văn học hiện thực, các nhà văn đã ngợi ca vẻ đẹp của tình cảm gia đình.
+ Tình cảm cha mẹ và con cái:
 - Tình phụ tử sâu nặng của lão Hạc dành cho con trai. (Lão Hạc - Nam Cao)
- Người mẹ âu yếm đưa con đến trường (Tôi đi học - Thanh Tịnh)
- Con trai Lão Hạc thương cha (Lão Hạc - Nam Cao); Tình mẫu tử thiêng liêng sâu nặng của mẹ con bé Hồng (Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng)
+ Tình cảm vợ chồng: Chị Dậu ân cần chăm sóc chồng chu đáo, quên mình bảo vệ chồng (Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố)
=> Đó là những tình cảm mang tính truyền thống khiến những trang văn hiện thực sáng lên vẻ đẹp tình người xua đi bóng tối u buồn của sự đói nghèo.
2.2.2 Tình làng nghĩa xóm:
+ Ông giáo với Lão Hạc: Tin tưởng trân trọng đối với con người thấy rõ được những phẩm chất cao đẹp của người nông dân "Chao ôi... ta thương". Cảm thông sâu sắc, yêu thương quý trọng, sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khổ: Từ cái nhìn đúng đắn mà dẫn tới yêu thương. Ông sẵn sàng giúp đỡ lão Hạc về vật chất. Hơn thế nữa ông còn chia sẻ với lão Hạc mọi buồn vui của cuộc đời. Ông chìm trong câu chuyện của lão Hạc, thương lão Hạc và thương chính cả thân mình. Tin tưởng nhận lời di chúc của lão Hạc, xót xa khi chứng kiến cảnh lão Hạc nhịn ăn để dành tiền làm ma. Chứng kiến cái chết dữ dội, đau đớn của lão Hạc, ông giáo không khóc được mà nước mắt như chảy ngược vào trong; đau thương đã biến thành lời kết nguyện với vong linh lão Hạc khi ông giáo hình dung đứa con lão trở về.
+ Bà lão hàng xóm với chị Dậu (Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố): Họ là chỗ dựa tinh thần của nhau, tối lửa tắt đèn có nhau.Tình làng nghĩa xóm đã thắp lên ánh sáng của tình người.
2.2.3 Tình cảm của các nhà văn đối với con người:
+ Nguyên Hồng với những trang văn thắm thiết tình người, là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng.
+ Ngô Tất Tố luôn tin tưởng vào phẩm giá, sức sống tiềm tàng, tinh thần phản kháng mãnh liệt của người lao động với những trang văn hả hê như “xui người nông dân nổi loạn”.
+ Nhà văn Nam Cao với cách nhìn đời, nhìn người chân thực, đúng đắn, sâu sắc, tiến bộ giàu lòng nhân hậu, bao dung.
2.3 Nâng cao: 
+ Yêu thương con người là ngọn lửa thiêng ấm áp tình đời, tình người mà các nhà văn tài năng và tâm huyết ấy đã thắp lên giữa cuộc đời.
	+ Các sáng tác hiện thực trong chương trình Ngữ văn 8 đều có giá trị nhân đạo sâu sắc. Tình yêu thương con người đã góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mỗi chúng ta
 + Tình yêu thương con người là chất thơ của cuộc sống, của nghệ thuật, là cầu nối, là điểm tựa cho các tình cảm nhân văn khác.
III. Biểu điểm:
* Điểm 13-14:
	- Nhận thức đề tốt, đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và phương pháp.
* Điểm 10-12 điểm:
	- Hiểu đề, đáp ứng được phần lớn các yêu cầu về nội dung và phương pháp.
	- Hành văn trôi chảy, có mắc một số lỗi diễn đạt.
* Điểm từ 7- 9:
	- Hiểu đề, đáp ứng được khoảng trên một nửa các yêu cầu
	- Hành văn nhìn chung trôi chảy, không mắc nhiều lỗi diễn đạt.
* Điểm 4 - 6: Tỏ ra hiểu đề nhưng nội dung còn sơ sài. Phần chứng minh đôi chỗ dàn trải chưa rõ luận điểm; một số luận cứ chưa thuyết phục. Diễn đạt còn mắc nhiều lỗi.
* Điểm 1-3: Hiểu đề lơ mơ, bố cục không rõ ràng, nội dung quá sơ sài, phương pháp, kỹ năng làm văn nghị luận yếu, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt. 
* Điểm 0: Bài để giấy trắng hoặc viết những điều không liên quan đến yêu cầu của đề bài.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_huyen_Ngu_van_8_HD_cham.doc