Đề khảo sát chất lượng THPT quốc gia Ngữ văn 12 - Mã đề 552 - Năm học 2016-2017 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 500Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề khảo sát chất lượng THPT quốc gia Ngữ văn 12 - Mã đề 552 - Năm học 2016-2017 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề khảo sát chất lượng THPT quốc gia Ngữ văn 12 - Mã đề 552 - Năm học 2016-2017 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
MÃ ĐỀ: 552
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THPT QUỐC GIA
NĂM HỌC 2016 - 2017 - MÔN NGỮ VĂN 12
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề
Lưu ý: Trước khi làm bài, học sinh ghi mã đề vào tờ giấy thi
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: 
	Bạn ơi, nếu bạn muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào, làm gì được nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời.
	Một người mà lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh thực tế, và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được. Bạn sợ sặc nước thì bạn không biết bơi; bạn sợ nói sai thì bạn không nói được ngoại ngữ! Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì. Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời.
 (Theo Ngữ văn 7, tập 2, tr.43, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2015)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
Câu 2: Anh/Chị hiểu như thế nào về quan niệm: "Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì"? (1,0 điểm)
Câu 3: Theo anh/chị, sai lầm đem đến những tổn thất và bài học gì cho đời? (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
	Viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về quan niệm của tác giả trong đoạn trích phần Đọc hiểu: "nếu bạn muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào, làm gì được nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời". 
Câu 2 (5,0 điểm)
	Nhận xét về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: “Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ” (Tuyển chọn và giới thiệu đề thi đại học và cao đẳng môn Ngữ văn, tr.155-156, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2007). Từ cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài Sóng, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên:
Dữ dội và dịu êm 
Ồn ào và lặng lẽ 
Sông không hiểu nổi mình 
Sóng tìm ra tận bể 
Ôi con sóng ngày xưa 
Và ngày sau vẫn thế 
Nỗi khát vọng tình yêu 
Bồi hồi trong ngực trẻ 
Trước muôn trùng sóng bể 
Em nghĩ về anh, em 
Em nghĩ về biển lớn 
Từ nơi nào sóng lên? 
Sóng bắt đầu từ gió 
Gió bắt đầu từ đâu? 
Em cũng không biết nữa 
Khi nào ta yêu nhau 
Con sóng dưới lòng sâu 
Con sóng trên mặt nước 
Ôi con sóng nhớ bờ 
Ngày đêm không ngủ được 
Lòng em nhớ đến anh 
Cả trong mơ còn thức [...]
 (Xuân Quỳnh - Sóng - Ngữ văn 12, tập 1, tr.155, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
-------------------------------- Hết --------------------------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: ........................................................... SBD: ................................................
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
MÃ ĐỀ: 552
HƯỚNG DẪN CHẤM KSCL THPT QUỐC GIA 
NĂM HỌC 2016-2017 
MÔN: NGỮ VĂN 12
I. PHẦN ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)
Câu
Nội dung
Điểm
1
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
0,5
2
- Một người mà không chịu mất gì nghĩa là không chấp nhận mất mát về thời gian, công sức, tiền bạc, trí tuệ,..
- thì sẽ không được gì nghĩa là không đạt được thành công, không rút ra được những bài học kinh nghiệm, không có sức mạnh, bản lĩnh ý chí vươn lên,... và không thể trưởng thành trong cuộc đời. 
0,5
0,5
3
Sai lầm đem đến những tổn thất và bài học quý giá trong cuộc đời:
- Sai lầm đem đến những tổn thất về cả vật chất, tinh thần (nỗi buồn, sự chán nản, tuyệt vọng,...)
- Sai lầm cũng đem đến những bài học kinh nghiệm, bài học về ý chí, nghị lực; bài học về cách đối nhân xử thế, cách sống, cách làm người,..
0,5
0,5
4
Thông điệp có ý nghĩa nhất: Đừng sợ thất bại, sai lầm, đừng sợ mọi thử thách, gian khổ, hãy bản lĩnh, tự tin đối mặt với mọi sóng gió để rèn luyện bản thân,... 
0,5
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
	* Yêu cầu về kĩ năng: 
	- Biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí, vận dụng tốt các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.
	- Đoạn văn có bố cục chặt chẽ, mạch lạc, hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
	* Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
Ý
Nội dung
Điểm
1
Giải thích 
0,5
- Không phạm chút sai lầm nào là không mắc những sai trái, lầm lạc trong nhận thức, suy nghĩ, hành động và không để lại những hậu quả đáng tiếc. 
- Ảo tưởng là không có thật, xa rời thực tiễn đời sống. Hèn nhát là không có can đảm, dũng khí, sợ đối mặt với khó khăn, gian khổ,..
0,25
0,25
2
Bình luận: Khẳng định quan điểm đúng đắn
1,25
a
Tại sao Muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào là ảo tưởng: 
- Cuộc đời vốn không bằng phẳng, dễ dàng; con người thường xuyên phải đối mặt với khó khăn, gian khổ; trong khi đó, năng lực của con người có giới hạn. Sai lầm là một tất yếu không thể tránh khỏi. Chỉ có những kẻ ảo tưởng mới nghĩ rằng mình không mắc một sai lầm nào. 
0,5
b
Tại sao Muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào là hèn nhát:
- Khi con người sợ phạm sai lầm thì sẽ không dám xông pha, mạo hiểm, không có ý chí phấn đấu, vươn lên, sống thu mình trong vỏ bọc bình yên, cách xa với thế giới bên ngoài. Những kẻ đó sẽ dần dần tự đánh mất ý chí, nghị lực, dũng khí, trở thành kẻ hèn nhát trong cuộc đời. 
0,5
- Phê phán: Những kẻ hèn nhát, sợ đối mặt với khó khăn, gian khổ, ảo tưởng, viển vông, xa rời thực tế. 
0,25
3
Bài học nhận thức và hành động 
0,25
Nhận thức được tính chất hai mặt của sai lầm; luôn tự tin, dũng cảm, dám trải nghiệm, dám dấn thân trên con đường đi đến thành công. 
Lưu ý: Nếu không viết đúng hình thức đoạn văn thì trừ 0,5 điểm
Câu 2 (5,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận văn học. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày,...
* Yêu cầu kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau: 
Ý
Nội dung
Điểm
1
Vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề
0,5
2
Phân tích, chứng minh
a
Giải thích
0,5
- Hình tượng trung tâm là hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ, góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm và tư tưởng của tác giả. 
- Hình tượng ẩn dụ là hình tượng mang ý nghĩa biểu trưng. Ngoài ý nghĩa tả thực, sóng còn là hình tượng ẩn dụ cho em, là sự hoá thân của em. Người phụ nữ qua sóng và nhờ sóng giãi bày cảm xúc, tâm trạng của mình trong tình yêu. 
0,25
0,25
b
Phân tích, chứng minh
3,5
- Sóng là hình tượng nghệ thuật trung tâm. Xuyên suốt các khổ thơ là những cảm nhận của Xuân Quỳnh về sóng và nhờ sóng, nữ sĩ bày tỏ tình cảm, tâm trạng trong tình yêu: 
+ Sóng được cảm nhận với hai trạng thái đối lập (dữ dội, dịu êm; ồn ào, lặng lẽ); sóng luôn khao khát trong hành trình tìm ra biển lớn và được cảm nhận như sự tồn tại vĩnh hằng muôn thuở.
+ Sóng là hiện tượng thiên nhiên vừa bất ngờ, vừa bí ẩn rất khó để lí giải nguồn gốc nhưng sóng luôn thao thức nỗi nhớ bờ không nghỉ, không yên.
- Sóng là hình tượng ẩn dụ cho người con gái trong tình yêu:
+ Khi yêu, người con gái sống với những trạng thái phong phú, phức tạp đầy bí ẩn của tâm hồn. Họ luôn chủ động, mãnh liệt trong tình yêu. Đó là khát vọng vĩnh hằng muôn thuở như muôn đời con người vẫn tìm đến tình yêu và mãi mãi đến với tình yêu.
+ Trước biển cả mênh mông, người con gái muốn truy tìm nguồn gốc của những con sóng biển cũng như muốn tìm hiểu, cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu. 
+ Nỗi nhớ của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ cồn cào, da diết, mãnh liệt của người con gái. Đó là nỗi nhớ chiếm lĩnh trọn vẹn mọi không gian, thời gian, đi sâu vào tiềm thức, giấc mơ của con người... 
- Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ với âm điệu nhịp nhàng dào dạt như những con sóng biển, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo, kết cấu song trùng sóng và em; ngôn ngữ trong sáng, giản dị; các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp, câu hỏi tu từ, nhân hóa, ẩn dụ, điệp từ,... được sử dụng tài hoa, sáng tạo góp phần tạo nên giá trị và vẻ đẹp của bài thơ Sóng. Bài thơ như một truyền thuyết về tình yêu đôi lứa.
0,5
0,5
1,0
0,5
0,5
0,5
Đánh giá chung
0,5
- Qua sóng, một hình tượng nghệ thuật trung tâm và có ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy chủ động, mạnh bạo bày tỏ những khát khao và rung động rạo rực của lòng mình. Đó là một nét rất mới mẻ, thậm chí hiện đại trong thơ ca. Nhưng đó cũng là một tâm hồn thật trong sáng, tha thiết và đắm say, một tình yêu thủy chung, tuyệt đối dâng hiến trọn vẹn đến quên mình. Nó rất gần gũi với mọi người và có gốc rễ trong quan niệm vững bền của dân tộc.
- Với cách xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, Sóng không chỉ là một trong những bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh mà còn là một trong những bài thơ hay nhất về tình yêu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. 
0,25
0,25
--------------------Hết-------------------

Tài liệu đính kèm:

  • docNGU VAN_552.doc