Đề khảo sát chất lượng giữa kì II năm học 2013 - 2014 môn: Ngữ văn lớp 8

doc 4 trang Người đăng nguyenlan45 Lượt xem 1581Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề khảo sát chất lượng giữa kì II năm học 2013 - 2014 môn: Ngữ văn lớp 8", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề khảo sát chất lượng giữa kì II năm học 2013 - 2014 môn: Ngữ văn lớp 8
ĐỀ CHÍNH THỨC
PHÒNG GD&ĐT BÌNH GIANG
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA KÌ II
NĂM HỌC 2013 - 2014
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 8
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề bài gồm 01 trang)
Câu 1 (3,0 điểm)
Cho đoạn văn:
Huống chi ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau!
 (Ngữ văn 8, tập 2, trang 57)
a) Đoạn văn trích trong tác phẩm nào? Do ai sáng tác?
b) Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh nào của đất nước? Mục đích của tác giả khi viết tác phẩm đó?
c) Trình bày nội dung chính của đoạn văn và nêu biện pháp nghệ thuật tiêu biểu được sử dụng trong đoạn văn trên.
Câu 2 (2,0 điểm)
	a) Hành động nói là gì? Có mấy cách thực hiện hành động nói?
	b) Câu văn sau đây thuộc kiểu câu phân loại theo mục đích nói nào? Thực hiện hành động nói gì?
 - Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng ngồi cách xa nhau
 (Khánh Hoài)
Câu 3 (5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: bài thơ “Quê hương” đã thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của nhà thơ Tế Hanh.
Bằng hiểu biết của em về bài thơ Quê hương, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
-------------------HẾT-------------------
Họ tên học sinh:Số báo danh:
Chữ kí giám thị 1:  Chữ kí giám thị 2:
PHÒNG GD&ĐT BÌNH GIANG
HƯỚNG DẪN CHẤM
 KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA KÌ II
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 8
Câu 1 (3,0 điểm)
Phần
Yêu cầu kiến thức
Điểm
a)
Đoạn văn trích trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ” 
0.5
Tác giả: Trần Quốc Tuấn
0.5
b)
Hoàn cảnh đất nước: quân Mông – Nguyên chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhà Trần đang chuẩn bị kháng chiến chống quân Mông - Nguyên để bảo vệ đất nước.
0.5
Trần Quốc Tuấn làm bài hịch để khích lệ tướng sĩ đề cao cảnh giác, chuẩn bị lực lượng, học tập cuốn Binh thư yếu lược để chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược.
0.5
c)
- Nội dung của đoạn văn trên là lột tả sự ngang ngược và vạch trần tội ác của sứ giặc.
0.5
- Nghệ thuật: Ẩn dụ (gọi sứ giặc là cú, diều, dê, chó...); phép liệt kê, phép so sánh.
Nếu thiếu một nghệ thuật thì trừ 0.25 điểm
0.5
Câu 2 (2,0 điểm)
Phần
Nội dung
Điểm
a)
Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất định.
0.5
Có 2 cách thực hiện hành động nói:
- Thực hiện bằng kiểu câu có chức năng chính phù hợp với hành động đó (cách dùng trực tiếp);
- Thực hiện bằng kiểu câu khác (cách dùng gián tiếp). 
0.5
b)
- Câu văn thuộc kiểu câu cầu khiến.
0.5
- Thực hiện hành động điều khiển.
0.5
Câu 3 (5,0 điểm) 
a. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết vận dụng các kĩ năng nghị luận để làm thành một bài tập làm văn nghị luận về một bài thơ có đầy đủ bố cục ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài theo quy định.
Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, trau chuốt, văn viết có cảm xúc chân thành, biết phân tích hình ảnh thơ để làm nổi bật vấn đề nghị luận
* Làm tốt các yêu cầu trên được 1.0 điểm
b. Yêu cầu về nội dung:
Học sinh cần trình bày được những nội dung sau:
Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về tình yêu quê hương của Tế Hanh và bài thơ Quê hương.
Thân bài:
- Tình yêu quê hương được thể hiện qua niềm tự hào khi giới thiệu về quê hương:
+ Lời giới thiệu giản dị, mang nét riêng của người miền biển: lấy thời gian để đo chiều dài của không gian.
+ Lời thơ tha thiết, bồi hồi, chan chứa niềm tự hào về quê hương.
- Tình yêu quê hương còn được thể hiện trong nỗi nhớ về cảnh sinh hoạt, cảnh lao động của người dân chài lưới:
+ Sáu câu thơ tiếp theo là cảnh “dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” trong một “sớm mai hồng”. Đây vừa là phong cảnh thiên nhiên tươi sáng, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống.
Học sinh phân tích những hình ảnh thơ tiêu biểu, độc đáo trong đoạn thơ.
+ Đoạn thơ thứ ba là cảnh dân làng đón đoàn thuyền cá trở về. Bốn câu đầu là một bức tranh lao động náo nhiệt, đầy ắp niềm vui và sự sống, toát ra từ không khí ồn ào, tấp nập, đông vui, từ những chiếc ghe đầy cá, từ những con cá tươi ngon, từ lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên bể lặng để đoàn thuyền trở về bình yên. Bốn câu sau miêu tả người dân chài và con thuyền nằm nghỉ trên bến sau chuyến ra khơi. Qua các biện pháp nghệ thuật, sự sáng tạo độc đáo của tác giả, hình ảnh người dân chài vừa chân thực vừa lãng mạn với tầm vóc phi thường Qua đó thể hiện tâm hồn tinh tế, tài hoa và tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của Tế Hanh.
- Tình yêu quê hương được thể hiện trực tiếp trong nỗi nhớ khôn nguôi về quê hương của người con khi xa cách:
+ Nỗi nhớ chân thành, tha thiết nên lời thơ giản dị; cách bộc lộ cảm xúc trực tiếp “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”
+ Hương vị lao động làng chài chính là hương vị riêng đầy quyến rũ của quê hương. Nhà thơ đã cảm nhận được chất thơ trong cuộc sống lao động hàng ngày của người dân nên hình ảnh thơ tươi sáng, khỏe khoắn, mang hơi thở nồng ấm của lao động, của sự sống.
- Tế Hanh đã sáng tạo được nhiều hình ảnh thơ chân thực nhưng cũng rất đẹp, bay bổng lãng mạn. Nhà thơ đã thổi linh hồn vào những sự vật gần gũi, giản dị khiến cho các sự vật mang một vẻ đẹp, một tầm vó bất ngờ. Từ đó, tình yêu quê hương của Tế Hanh càng trở nên tha thiết, sâu nặng hơn.
Kết bài: Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Biểu điểm chấm:
- Bài làm đạt được đầy đủ các yêu cầu về nội dung, thể hiện được năng lực cảm thụ, so sánh, liên hệ để làm nổi bật tình yêu quê hương trong bài thơ không mắc lỗi dùng từ, câu : đạt 4.0 điểm
- Bài làm còn thiếu một ý trong phần thân bài, còn một số lỗi nhỏ trong cách dùng từ, đặt câu: đạt 3.0 đến 3.75 điểm.
- Bài làm thiếu 2 ý trong phần thân bài, còn mắc một số lỗi về dùng từ, đặt câu. Hoặc trường hợp học sinh chỉ phân tích lần lượt từ đầu đến cuối bài thơ mà không xây dựng được hệ thống luận điểm bám sát vào vấn đề nghị luận theo yêu cầu của đề bài : đạt 2.0 đến 2.75 điểm.
- Bài làm sơ sài, dùng từ thiếu chính xác, chưa thể hiện được năng lực cảm thụ, phân tích, đánh giá từ ngữ, hình ảnh thơ : đạt 1.0 đến 1.75 điểm.
- Bài làm lạc đề, viết không mạch lạc, nội dung sơ sài hoặc không làm bài : đạt 0 đến 0.75 điểm.
* Giáo viên chấm bài cần nghiên cứu kĩ biểu điểm nội dung và biểu điểm hình thức để cho điểm khách quan, chính xác, trân trọng sự sáng tạo của học sinh.

Tài liệu đính kèm:

  • docVan_8.doc