Đề cương ôn tập học kì I môn Giáo dục công dân 10

docx 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 4513Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập học kì I môn Giáo dục công dân 10", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề cương ôn tập học kì I môn Giáo dục công dân 10
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ I MÔN GDCD
Bài 6 : Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng :
1. Phủ định biện chứng và phủ định siêu hình :
Phủ định là xóa bỏ sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng nào đó.
a) Phủ định siêu hình :
Phủ định siêu hình là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, cản trở hoặc xóa bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật.
Ví dụ: Gió bão làm đổ cây cối, con người dùng hóa chất độc hại tiêu diệt sinh vật,
b) Phủ định biện chứng :
- Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới.
- Phủ định biện chứng có hai đặc điểm cơ bản sau đây :
+ Tính khách quan : Nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật, hiện tượng. Đó là kết quả của quá trình giải quyết mâu thuẫn, lượng đổi dẫn đến chất đổi, cái mới ra đời thay thế cái cũ. Vì vậy, phủ định biện chứng mang tính tất yếu, khách quan và tạo điều kiện, làm tiền đề cho sự phát triển.
Ví dụ: Trong sinh vật : Các giống loài mới xuất hiện phủ định các giống loài cũ là kết quả của quá trình đấu tranh giữa di truyền và biến dị trong bản thân sinh vật tạo ra.
+ Tính kế thừa : Trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng, cái mới ra đời từ trong lòng cái cũ, từ cái trước đó. Nó chỉ gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời của cái cũ và giữ lại những yếu tố tích cực, thích hợp để phát triển cái mới. Vì vậy, tính kế thừa cũng là tất yếu và khách quan, đảm bảo cho các sự vật và hiện tượng phát triển liên tục.
Ví dụ: Trong sinh vật : Các giống loài phát triển theo quy luật di truyền. Thế hệ con cái kế thừa những yếu tố tích cực của thế hệ bố mẹ, gạt bỏ đi những yếu tố không còn thích hợp với hoàn cảnh mới.
2. Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng :
Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng là vận động đi lên, cái mới ra đời, kế thừa và thay thế cái cũ nhưng ở trình độ ngày càng cao hơn, hoàn thiện hơn.
* Chúng ta phải luôn luôn đổi mới phương pháp học tập. Theo em, đấy có phải là yêu cầu của phủ định biện chứng không? Tại sao?
- Đấy chính là yêu cầu của phủ định biện chứng.
- Giải thích :
+ Luôn đổi mới phương pháp học tập là một yêu cầu tất yếu, khách quan, làm tiền đề cho sự phát triển. Ngoài ra, đổi mới phương pháp học tập nhằm tiếp thu kiến thức nhanh hơn, phù hợp với việc học tập mới hơn,cao hơn.
+ Đổi mới phương pháp học tập nhưng phải có tính kế thừa: chỉ gạt bỏ những phương pháp học tiêu cực, lỗi thời như phương pháp học vẹt, học tủ, học lệch, phương pháp học thụ động: thầy đọc trò ghi... Đồng thời giữ lại những phương pháp tích cực, còn thích hợp để phát triển việc học tập tốt hơn.
* Trong cuộc sống hằng ngày, ta cần phải phê bình và tự phê bình như thế nào mới phù hợp với quan điểm phủ định biện chứng?
- Phê bình là xem xét, phân tích, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm về tư tưởng, đạo đức, hành vi,..của người khác
- Tự phê bình là tự nêu ra, phân tích, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm về tư tưởng, đạo đức, hành vi của bản thân
- Phê bình và tự phê bình nhằm phát huy cái tốt, hạn chế cái xấu, thấy được cái đúng, cái sai của mình và người khác, đấu tranh loại bỏ cái sai để khẳng định cái đúng.
- Không được bao che, giấu dấu khuyết điểm hoặc dùng lời lẽ gay gắt, nặng nề để chỉ trích, vùi dập người có khuyết điểm.
- Khi phê bình, bên cạnh chỉ ra những mặt hạn chế, tiêu cực, không thích hợp, chúng ta cần phải thấy được những mặt ưu điểm, tích cực có thể kế thừa, học hỏi. 
à Trong cuộc sống hằng ngày, ta cần phải phê bình và tự phê bình nghiêm túc, nhìn nhận các vấn đề một cách toàn diện, đặt các vấn đề trong mối quan hệ nhiều chiều, không phê bình một cách phiến diện và phủ định sạch trơn vấn đề. Nhìn nhận ra cái tốt của người khác rồi tiếp thu nó để tu dưỡng, học hỏi và làm cho nó trở thành cái tốt của mình có như thế mới đúng với quan điểm phủ định biện chứng.
* Em hãy nhận xét một vài hiện tượng biểu hiện sự phủ định biện chứng trong việc thờ cúng, lễ hội, ma chay, cưới xin ở nước ta hiện nay.
- Thờ cúng: Ngày xưa bên cạnh việc thờ cúng ông bà, cha mẹ,...chúng ta còn thờ các vị thần liên quan đến mùa màng như thần gió, thần nước, thần lửa...nhưng ngày nay với sự tiến bộ của khoa học chúng ta không còn thờ các vị thần đó trong nhà nữa nhưng một số nơi vẫn tổ chức các lễ hội theo phong tục cũ. 
- Lễ hội: Vào thời phong kiến các vua chúa vẫn hay tổ chức lễ hội linh đình phục vụ cho bộ phận quý tộc. Ngày nay trong chế độ xã hội chủ nghĩa những vị lãnh tụ nhà nước không còn tổ chức các lễ hội linh đình nữa nếu có chỉ là các cuộc họp mặt mà thôi. 
- Ma chay: Khi xã hội còn lạc hậu người dân ta có thói quen tổ chức ma chay thật lớn và kéo dài nhiều ngày nhưng ngày nay chúng ta tổ chức ma chay rất đơn giản và chỉ kéo dài khoản 2-3 ngày thay vì 5-6 ngày như xưa.
- Ngoài ra, nhân dân ta cần bảo vệ và phát huy việc thờ cúng tổ tiên, ông bà vì đây là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc Việt Nam và cần phải loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu như mê tín dị đoan, lãng phí trong việc mời thầy cúng về để chữa bệnh cho người bệnh mà không đưa đi bệnh viện.
Bài 7 : Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức :
1. Thế nào là nhận thức ?
a) Quan điểm về nhận thức :
- Triết học duy tâm : nhận thức là do bẩm sinh hoặc do thần linh mách bảo.
- Triết học duy vật trước C.Mác : nhận thức chỉ là sự phản ánh đơn giản, máy móc, thụ động về sự vật, hiện tượng.
- Triết học duy vật biện chứng : nhận thức bắt nguồn từ thực tiễn, là quá trình nhận thức cái tất yếu diễn ra rất phức tạp gồm 2 giai đoạn : nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính.
b) Hai giai đoạn của quá trình nhận thức :
- Nhận thức cảm tính : là giai đoạn nhận thức được tạo nên do sự tiếp xúc trực tiếp của các cơ quan cảm giác đối với sự vật, hiện tượng, đem lại cho con người hiểu biết về các đặc điểm bên ngoài của chúng. à Là giai đoạn nhận thức trực tiếp.
+ Ưu điểm : Độ tin cậy cao.
+ Nhược điểm : Kết quả nhận thức chưa sâu sắc, chưa toàn diện.
Ví dụ: Khi muối ăn tác động vào các cơ quan cảm giác, mắt sẽ cho ta biết muối có màu trắng, dạng tinh thể ; mũi cho ta biết muối không có mùi ; lưỡi cho ta biết muối có vị mặn.
- Nhận thức lí tính : là giai đoạn nhận thức tiếp theo, dựa trên các tài liệu do nhận thức cảm tính đem lại, nhờ các thao tác của tư duy như : phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa,tìm ra bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng. à Là giai đoạn nhận thức gián tiếp.
+ Ưu điểm : Là kết quả của nhận thức sâu sắc và toàn diện.
+ Nhược điểm : Nếu không dựa trên nhận thức cảm tính chính xác thì độ tin cậy không cao.
Ví dụ: Nhờ đi sâu phân tích, người ta tìm ra cấu trúc tinh thể của muối, công thức hóa học của muối, điều chế được muối,
=> Mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính :
- Nó là giai đoạn nhận thức cảm tính làm cơ sở cho nhận thức lí tính.
- Nhận thức lí tính là giai đoạn nhận thức cao hơn, phản ánh bản chất của sự vật, hiện tượng sâu sắc và toàn diện hơn.
* Khái niệm nhận thức : Nhận thức là quá trình phản ánh sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan vào bộ óc của con người, để tạo nên những hiểu biết về chúng.
2. Thực tiễn là gì ?
a) Khái niệm thực tiễn :
Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.
b) Các dạng cơ bản của thực tiễn :
- Hoạt động sản xuất vật chất.
Ví dụ : Người nông dân sản xuất lúa gạo, công nhân sản xuất máy móc,
- Hoạt động chính trị - xã hội.
Ví dụ : Đấu tranh chống thế lực phong kiến, hưởng ứng phong trào chống HIV/AIDS,
- Hoạt động thực nghiệm khoa học.
Ví dụ : Nghiên cứu chất kháng sinh phục vụ con người chữa lành vết thương,
à Hoạt động sản xuất vật chất là cơ bản nhất vì nó quyết định các hoạt động khác, và xét cho cùng, các hoạt động khác đều nhằm phục vụ hoạt động cơ bản này.
3. Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức :
a) Thực tiễn là cơ sở của nhận thức :
Vì mỗi người, mỗi thế hệ không chỉ có những nhận thức do thực tiễn và kinh nghiệm trực tiếp đem lại mà còn kế thừa, tiếp thu những tri thức của các thế hệ trước, của người khác đem lại. Song, suy cho cùng, mọi nhận thức của con người đều bắt nguồn từ thực tiễn. Nhờ có sự tiếp xúc, tác động với các cơ quan cảm giác và hoạt động của bộ não mà con người phát hiện ra các thuộc tính, hiểu được bản chất của các sự vật, hiện tượng.
Ví dụ : Từ sự đo đạc ruộng đất, đo lường vật thể mà con người có tri thức về toán học.
Quá trình hoạt động thực tiễn cũng đồng thời là quá trình phát triển và hoàn thiện các giác quan của con người. Nhờ đó, khả năng nhận thức của con người ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn về sự vật, hiện tượng.
Ví dụ : Khi biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động, bàn tay con người trở nên khéo léo hơn, tư duy phát triển hơn.
b) Thực tiễn là động lực của nhận thức :
Thực tiễn là động lực thúc đẩy nhận thức phát triển vì thực tiễn luôn luôn vận động, luôn luôn đặt ra những yêu cầu mới cho nhận thức và tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết thúc đẩy nhận thức phát triển.
Ví dụ : Việc học tập đặt ra yêu cầu học sinh phải giải bài tập và học kiến thức mới hơn, khó hơn. Khi giải quyết được những bài tập khó thì nhận thức của học sinh sẽ được nâng cao hơn.
c) Thực tiễn là mục đích của nhận thức :
Các tri thức khoa học chỉ có giá trị khi nó được vận dụng vào thực tiễn. Mục đích cuối cùng của nhận thức là nhằm cải tạo hiện thực khách quan, tạo ra của cải vật chất và đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, của xã hội.
Ví dụ : Nhà bác học Điêzen đã viết giả thuyết về động cơ sử dụng chất thải công nghiệp làm nhiên liệu và giả thuyết của ông đã được ứng dụng để chế tạo ra các loại động cơ chạy dầu như bây giờ.
d) Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí :
Nhận thức ra đời từ thực tiễn, song nhận thức lại diễn ra ở từng người, từng thế hệ cụ thể với những điều kienj chủ quan, khách quan khác nhau. Bởi vậy, tri thức của con người về sự vật và hiện tượng có thể là đúng đắn hoặc sai lầm. Chỉ có đem những tri thức thu nhận được kiểm nghiệm qua thực tiễn mới đánh giá được tính đúng đắn hay sai lầm của chúng. Việc vận dụng tri thức vào thực tiễn còn có tác dụng bổ sung, hoàn thiện những nhận thức chưa đầy đủ.
Ví dụ : Bác Hồ đã chứng minh chân lí : “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
à Tóm lại, thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức.
* Em hiểu như thế nào về nguyên lí giáo dục : Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội?
- Học tập là hoạt động nhận thức, chiếm lĩnh có hệ thống tri thức thái độ và thói quen do loài người đã đúc kết được trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên và hoạt động xã hội. Điều đó cho thấy học không chỉ nhằm mục đích nắm được lí thuyết mà điều quan trọng là tiếp thu kinh nghiệm của loài người, biến chúng thành nhận thức, kinh nghiệm, kĩ năng, thái độ của mình. Cho nên học phải đi đôi với hành thì mới kiểm nghiệm được tính đúng, sai và giá trị đích thực của tri thức đã tiếp nhận được.
- Lao động sản xuất là hoạt động cơ bản của thực tiễn, nó là nguồn gốc, động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức, là tiêu chuẩn của chân lí. Giáo dục giúp nâng cao dân trí, tạo ra của cải vật chất. Vì vậy giáo dục phải kết hợp với lao động và sản xuất, học phải đi đôi với hành.
- Nhà trường phải gắn liền với xã hội để đáp ứng nhu cầu của người học, của xã hội.
* Dựa vào kiến thức đã học, em hãy cho biết ý nghĩa của câu tục ngữ : “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Con người luôn có mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh và bản thân mình. Nhưng muốn làm được điều đó phải xuất phát từ thực tiễn thì mới giúp con người có khả năng nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng. Vậy câu tục ngữ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có nghĩa là: chúng ta càng đi nhiều, tiếp xúc nhiều thì sẽ học hỏi được nhiều tri thức, kinh nghiệm tốt đẹp để áp dụng vào cuộc sống. Vậy từ thực tiễn mà con người có thể tiếp thu được nhiều điều có ích cho bản thân và nó sẽ trở thành nguồn cung cấp tri thức dồi dào cho ta.
* Bài tập 5 SKG trang 44 :
- Không đồng ý với ý kiến của Hằng vì các giờ thực hành, thí nghiệm các môn học là một hình thức vận dụng lí thuyết vào thực tiễn. Từ đó giúp chúng ta kiểm tra được kiến thức đã học và nhớ lâu hơn.
- Ý kiến của Hà đúng vì việc vận dụng lí thuyết vào thực tiễn không giới hạn ở tầm to lớn và giá trị cao của vấn đề.

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_cuong.docx