DẠY HỌC BÀI TOÁN VỀ NHIỀU HƠN Ở LỚP 2 THEO HƯỚNG TỔ CHỨC CHO HỌC SINH TRẢI NGHIỆM, KHÁM PHÁ Hoàng Mai Lê – Vụ Giáo dục Tiểu học Đối với giáo dục tiểu học, GV là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục tiểu học. Trong quá trình thực hiện đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK) tiểu học, đội ngũ GV và cán bộ quản lí trường tiểu học ngày càng phát huy quyền chủ động trong dạy học và chỉ đạo, quản lí. Đổi mới công tác quản lí cho phép GV chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục tiểu học; chủ động tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với từng đối tượng HS, nhằm giúp các em đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học khi hết năm học, cấp học, góp phần giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục tiểu học. Định hướng dạy học Toán ở tiểu học là tổ chức các hoạt động toán học cho HS. GV là người thiết kế các hoạt động học (theo hệ thống) từ các kiến thức trong SGK. GV tổ chức cho HS hoạt động trong từng tiết học Toán để các em được trải nghiệm, khám phá, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tìm tòi, tự hình thành, chiếm lĩnh kiến thức Toán học. Dạy học môn Toán cần phải gắn với thực tế cuộc sống hằng ngày của các em, tạo cho các em hứng thú, say mê tìm tòi, sáng tạo khi học Toán. Bài viết này giới thiệu một thử nghiệm mô hình dạy học mới - bài soạn (gồm mục tiêu, hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng) theo hướng tổ chức hướng dẫn học tập cho HS (cá nhân, cặp, nhóm), để HS tự học, được trải nghiệm, khám phá, hình thành kiến thức mới, thực hành, luyện tập và ứng dụng trong thực tế cuộc sống hàng ngày (tại buổi học thứ hai hoặc tại gia đình, địa phương). Trong điều kiện cụ thể và cho phép của từng nhà trường (lớp học có không quá 35 HS, có đủ đồ dùng học tập), GV có thể chủ động ghép hai tiết Toán vào trong một buổi học, xây dựng kế hoạch dạy học (bài soạn) cho hai tiết học đó để hình thành trọn vẹn một đơn vị kiến thức (nhận biết, lĩnh hội kiến thức mới, thực hành, vận dụng). GV có thể tổ chức hoạt động dạy học cho HS qua các bước học tập như sau: - Chuẩn bị tài liệu và đồ dùng học tập; đọc và viết tên bài học, mục tiêu của bài học vào vở. - Thực hiện hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm để tự tìm tòi, phát hiện kiến thức mới. Khi kết thúc học bài mới, các em báo cáo thầy/cô giáo những gì em đã làm được. - Tham gia hoạt động thực hành: Làm việc cá nhân; chia sẻ với bạn ngồi cùng bàn (giúp nhau sửa chữa những bài làm còn sai sót); trao đổi với cả nhóm. - Tự đánh giá (có sự giúp đỡ của thầy giáo/cô giáo) xem mình đã học xong bài mới hoặc phải học lại phần nào. - Tìm mọi cơ hội để liên hệ và ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế hàng ngày (tại gia đình và địa phương) của các em. Bài soạn Bài toán về nhiều hơn dưới đây được bố trí dạy trong hai tiết học (ghép bài mới và bài luyện tập) để hướng dẫn HS học tập bài Bài toán về nhiều hơn (SGK Toán 2, trang 24) và bài Luyện tập (SGK Toán 2, trang 25). BÀI TOÁN VỀ NHIỀU HƠN Mục tiêu Biết cách giải và trình bày bài giải bài toán về nhiều hơn. A. HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN 1. Nhận biết về nhiều hơn (Làm việc theo cặp): a/ Em lấy ra 3 que tính và xếp thành hàng trên mặt bàn. Bạn lấy ra số que tính bằng số que tính của em, rồi lấy thêm để được nhiều hơn em 2 que tính và xếp ở hàng dưới hàng của em . Em quan sát bạn làm. b/ Em và bạn cùng trả lời các câu hỏi: Hàng nào có nhiều que tính hơn? Nhiều hơn mấy que tính? c/ Hãy cùng nói: "Hàng dưới có nhiều hơn hàng trên 2 que tính". 2. Nhận biết bài toán về nhiều hơn (Làm việc theo cặp): a/ Đọc và trả lời câu hỏi: Bạn Hồng có 4 cái kẹo. Bạn Hoa có nhiều hơn bạn Hồng 3 cái kẹo. Tìm số kẹo của bạn Hoa. Muốn biết bạn Hoa có mấy cái kẹo, em phải làm phép tính gì? b/ Em nói với bạn phép tính cần làm. 3. Giải bài toán về nhiều hơn (Làm việc cá nhân) a/ Đọc bài toán: Hàng trên có 5 quả cam, hàng dưới có nhiều hơn hàng trên 3 quả cam. Hỏi hàng dưới có mấy quả cam? b/ Hoàn thành tóm tắt bài toán: Hàng trên : ..... quả cam. Hàng dưới nhiều hơn hàng trên: ..... quả cam. Hàng dưới : ..... quả cam? c/ Trả lời các câu hỏi: Bài toán cho biết gì? Bài toán hỏi gì? Muốn biết hàng dưới có mấy quả cam, em phải làm phép tính gì? d/ Em trình bày bài giải: Bài giải Em có thể viết các câu lời giải khác nhau Số cam ở hàng dưới là: 5 + 3 = 8 (quả) Đáp số: 8 quả cam. 4. Giải bài toán (Làm việc cá nhân): a/ Đọc bài toán: Bạn An có 4 bông hoa, bạn Bình có nhiều hơn bạn An 2 bông hoa. Hỏi bạn Bình có mấy bông hoa? b/ Em trả lời các câu hỏi: Bài toán cho biết gì? Bài toán hỏi gì? Muốn biết bạn Bình có mấy bông hoa ta phải làm phép tính gì? c/ Em trình bày bài giải vào vở. Em báo cáo với thầy giáo/cô giáo kết quả những việc đã làm. 5. Chúng ta cùng chơi (nhóm 3 hoặc nhóm 4, cả lớp) GV hướng dẫn HS, chẳng hạn: Em nói, chẳng hạn: “Có 4 bông hoa (chiếc kẹo, viên bi, )”. Bạn A nói: “Tôi có nhiều hơn bạn 3 bông hoa (chiếc kẹo, viên bi, )”. Bạn C nói “Bạn A có 7 bông hoa (chiếc kẹo, viên bi, )”. B. HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH 1. Giải bài toán (Làm việc cá nhân) a/ Đọc bài toán: Trên bàn có 5 quyển vở, trong cặp có nhiều hơn trên bàn 4 quyển vở. Hỏi trong cặp có bao nhiêu quyển vở? b/ Hoàn thành tóm tắt bài toán: Trên bàn có : ...... quyển vở, Trong cặp có nhiều hơn: ...... quyển vở, Trong cặp có : ...... quyển vở? c/ Em trả lời các câu hỏi: Bài toán cho biết gì? Bài toán hỏi gì? Muốn biết trong cặp có bao nhiêu quyển vở ta phải làm phép tính gì? d/ Em trình bày bài giải vào vở. 2. Giải bài toán (Làm việc cá nhân): a/ Đọc bài toán: Bạn Hòa cao 90cm, bạn Huy cao hơn bạn Hòa 5cm. Hỏi bạn Huy cao bao nhiêu xăng-ti-mét? b/ Em trả lời các câu hỏi: Bài toán cho biết gì? Bài toán hỏi gì? Muốn biết bạn Huy cao bao nhiêu xăng-ti-mét ta phải làm phép tính gì? c/ Em trình bày bài giải vào vở. Em báo cáo với thầy giáo/cô giáo kết quả những việc đã làm. C. HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG (Thực hiện với sự giúp đỡ của người lớn) Em tự trả lời câu hỏi: Em mấy tuổi? Em hỏi mẹ (hoặc bố): Anh (chị) của em nhiều hơn em mấy tuổi? (Hoặc em hơn em của em mấy tuổi?). Em tính tuổi của anh (chị, em) của em. Thày giáo/cô giáo nhận xét kết quả học tập và ghi nhận sự tiến bộ của các em. Lưu ý: GV có thể thay que tính, quả cam bằng hòn sỏi, hạt ngô, phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương.
Tài liệu đính kèm: