Đáp án đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Ngữ văn lớp 9 - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Gia Lai

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 566Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đáp án đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Ngữ văn lớp 9 - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Gia Lai", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đáp án đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Ngữ văn lớp 9 - Năm học 2011-2012 - Sở GD & ĐT Gia Lai
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP TỈNH
 GIA LAI Năm học: 2011 – 2012
 ---------------- ---------------------------
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ CHÍNH THỨC
Môn thi: NGỮ VĂN
(Đáp án và hướng dẫn chấm có 04 trang)
---------------------------------------------------------------------
Câu 1: (8 điểm)
I- Yêu cầu về kĩ năng: 
- Học sinh biết huy động kiến thức đã tích lũy hoặc đã trải nghiệm để làm bài và xác định được vấn đề nghị luận thuộc phạm vi nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học.
- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội nội dung bàn về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.
- Bố cục rõ ràng, lập luận thuyết phục, cảm xúc, trình bày sạch đẹp, không mắc lỗi các loại.
II- Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể có những cách hiểu khác nhau về vấn đề nghị luận được đặt ra trong đoạn trích. 
1. Cách hiểu thứ nhất: Vẻ đẹp bình dị của quê hương.
a) Mở bài:
 Giới thiệu vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của quê hương, xứ sở vốn gần gũi, quen thuộc với mỗi người trong cuộc sống nhưng nhiều khi chìm khuất khiến ta không để ý và chưa nhận ra. 
b) Thân bài:
- Vẻ đẹp của quê hương thật nên thơ nhưng bây giờ Nhĩ mới nhận thấy. Khi phát hiện ra điều đó, Nhĩ tưởng chừng như lần đầu tiên mình phát hiện tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của bến quê - bãi bồi bên kia sông Hồng. Từ cảm nhận của Nhĩ, người đọc thức tỉnh nhận ra vẻ đẹp của quê hương mà ngày thường có muôn vàn lí do bị che khuất.
- Quê hương là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp; là nơi neo đậu bình yên cho tâm hồn và những gì thuần phác vốn gắn bó, thân thuộc trong cuộc sống của mỗi người. (Dẫn chứng minh họa)
- Phê phán, thức tỉnh những ai chưa và không biết trân trọng vẻ đẹp của quê hương.
- Liên hệ bản thân: 
+ Biết yêu quý vẻ đẹp bình dị mà có giá trị bền vững của quê hương.
+ Những hành động thiết thực để góp phần giữ gìn và bảo vệ quê hương, đất nước.
c) Kết bài: Mỗi người cần có ý thức giữ gìn và trân trọng vẻ đẹp của quê hương.
2. Cách hiểu thứ hai: Trong cuộc sống, con người thường thích khám phá thế giới xa lạ mà quên đi những điều quý giá, vẻ đẹp bình dị, gần gũi đang ở quanh ta.
a) Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. 
b) Thân bài:
- Nhĩ nhận ra thời trẻ mình mải mê khám phá chân trời xa lạ mà quên đi những điều quý giá, vẻ đẹp của điều bình dị gần gũi. Sự nhận thức ở Nhĩ về vẻ đẹp của bến quê cũng là sự nhận thức đối với người đời khi đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn những vẻ đẹp của quê hương.
- Con người cần phải biết trân trọng những điều bình dị mà có giá trị bền vững của quê hương, gia đình, cuộc sống... Có như vậy mới không ân hận, hối tiếc trong đời. (Dẫn chứng minh họa)
- Những người thích khám phá thế giới xa lạ mà không biết quý trọng, quên đi điều quý giá, vẻ đẹp gần gũi sẽ đánh mất cơ hội có được những giá trị đích thực của cuộc sống.
- Liên hệ bản thân:
+ Biết nhận ra những giá trị bền vững trong gia đình, quê hương, cuộc sống. 
+ Thận trọng trong học tập, hành động, không sa vào những điều vòng vèo, chùng chình để đạt đến ý nghĩa thiết thực trong cuộc đời.
c) Kết bài: Con người cần có ước mơ, khám phá nhưng đừng quên thực tại và hãy biết trân trọng những điều quý giá trong cuộc sống hàng ngày.
II- Chuẩn cho điểm:
- Điểm 8: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
- Điểm 6: Bài làm nắm được yêu cầu; phần bình luận, rút ra bài học có thể còn chưa thật đầy đủ nhưng chân thành, thuyết phục.
- Điểm 4: Bài làm đáp ứng được một nửa các yêu cầu trên.
- Điểm 2: Bài làm còn sơ sài, bố cục chưa rõ, nhiều lỗi các loại.
- Điểm 0: Để giấy trắng hoặc viết chuỗi câu vô nghĩa.
* Lưu ý: 
- Học sinh có thể hiểu cách khác nhưng phải hợp lí và trình bày đúng bố cục bài văn nghị luận.
- Nếu bài làm đáp ứng tốt yêu cầu về kĩ năng nhưng về kiến thức có những điều khác biệt với đáp án, giám khảo cân nhắc để cho điểm trên tinh thần tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. 
- Các khung điểm còn lại giám khảo tự cân đối.
Câu 2: 
I- Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết vận dụng các thao tác phân tích, so sánh, tổng hợp; kĩ năng phân tích thơ để làm rõ vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật của hai đoạn thơ trữ tình.
- Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Viễn Phương và Thanh Hải, hoàn cảnh ra đời, chủ đề hai bài thơ để phân tích những nét đặc sắc về nội dung, hình thức nghệ thuật của hai đoạn thơ: dụng ý khác nhau trong việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật tương đồng như điệp ngữ, hình ảnh ẩn dụ 
- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lời văn giàu cảm xúc, không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt
II- Yêu cầu về kiến thức: 
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những yêu cầu sau:
1. Mở bài: Giới thiệu chung về hai nhà thơ Viễn Phương và Thanh Hải, khái quát về hai tác phẩm và đoạn trích.
2. Thân bài:
2.1. Sự tương đồng:
+ Hai đoạn thơ đều thể hiện ước nguyện giản dị, thành kính và khát vọng được hóa thân vào thiên nhiên vĩnh hằng của đất nước; cống hiến phần tốt đẹp- dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung.
+ Giọng điệu vừa trang nghiêm, sâu lắng vừa tha thiết trong sáng; sử dụng những hình ảnh thơ giàu ý nghĩa ...
2.2 Điểm khác biệt:
a) Đoạn thơ trong Viếng lăng Bác:
- Nội dung: 
+ Lần đầu ra lăng viếng Bác, khi phải rời xa người con miền Nam thương trào nước mắt, nhớ Bác khôn nguôi. Nhà thơ ước mong được hóa thân vào thiên nhiên để được ở bên Bác, canh giấc ngủ cho Người. 
+ Tác giả muốn làm con chim, đóa hoa, cây tre - những sự vật bình thường nhưng gần gũi, thân thương để được ở bên Bác, được sống trong tình yêu thương của Bác.
+ Những rung động thành kính, thiêng liêng và ước nguyện chân thành, thiết tha được ở bên Bác của Viễn Phương. Qua đó, người đọc thấy được lòng trung kiên của người dân Việt Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc. 
- Nghệ thuật: 
+ Điệp ngữ “muốn làm” biểu hiện khao khát cháy bỏng của nhà thơ.
+ Giọng thơ trầm lắng, thiết tha
+ Hình ảnh ẩn dụ thể hiện khát vọng hóa thân vào thiên nhiên vĩnh hằng
b) Đoạn thơ trong Mùa xuân nho nhỏ:
- Nội dung: 
+ Trước mùa xuân của đất trời, nhà thơ dù đang nằm trên giường bệnh nhưng đã có những rung động sâu sắc và ước nguyện khiêm nhường rất đáng trân trọng: muốn làm con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm. Đó là “mùa xuân nho nhỏ” của đời mình mà nhà thơ muốn dâng hiến cho đời, cho đất nước. 
+ Mùa xuân còn có ý nghĩa biểu tượng cho những gì tươi đẹp nhất của sự sống và cuộc đời mỗi người. Mùa xuân nho nhỏ mà nhà thơ muốn dâng hiến đã góp phần làm nên mùa xuân của cuộc đời, của đất nước.
+ Sự cống hiến ấy lặng thầm nhưng bền bỉ: Dù là tuổi hai mươ - Dù là khi tóc bạc. 
+ Tác giả bộc lộ quan niệm của mình về sự hòa nhập giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng.
- Nghệ thuật: 
+ Thể thơ năm chữ phù hợp với cảm xúc thiết tha, âm hưởng nhẹ nhàng sâu lắng như làn điệu dân ca xứ Huế. 
+ Hình ảnh thơ đẹp giàu ý nghĩa biểu trưng cành hoa, mùa xuân
+ Điệp ngữ “ta làm” diễn tả khát vọng chân thành của nhà thơ; lời thơ như ngân lên thành lời ca trong sáng. 
2.3 Bàn luận đánh giá: 
 Hai đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn giản dị mà cao cả: đẹp ở sự hóa thân kì diệu vào thiên nhiên vĩnh hằng; ở khát vọng được dâng hiến tự nguyện và thành kính và trong mối liên hệ sâu sắc giàu ý nghĩa mà hai nhà thơ hướng tới: lãnh tụ, đất nước, cuộc đời.
3. Kết bài:
- Ước nguyện của hai nhà thơ góp phần làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn. Vì thế những dòng thơ đã mang đến cho người đọc niềm xúc động sâu sắc.
- Cuộc đời sẽ ý nghĩa hơn khi mỗi chúng ta có được nhận thức đúng đắn và lẽ sống cao cả.
III- Biểu điểm:
- Điểm 12: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu đã nêu; bố cục rõ ràng mạch lạc; lập luận chặt chẽ, cảm xúc; chữ đẹp. 
- Điểm 10: Bài làm đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu trên, có thể còn mắc vài lỗi diễn đạt, dùng từ.
- Điểm 8: Về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đề nhưng bài làm chưa sâu, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp
- Điểm 6: Đảm bảo yêu cầu cơ bản về kỹ năng, kiến thức đạt mức trung bình; còn mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp
- Điểm 4: Bài làm tỏ ra hiểu đề nhưng chưa thoát ý; còn mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp
- Điểm 2: Không hiểu đề, bài làm sơ sài, mắc nhiều lỗi các loại.
- Điểm 0: Lạc đề, để giấy trắng hoặc viết chuỗi câu vô nghĩa.
* Lưu ý: 
- Trên đây chỉ là những định hướng, trong quá trình chấm bài, giám khảo cần linh hoạt vận dụng hướng dẫn chấm để định điểm bài làm học sinh sao cho chính xác, hợp lý; cần trân trọng những bài viết giàu chất văn và sáng tạo.
- Các khung điểm còn lại giám khảo tự cân đối.
----------------------Hết----------------------

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_hsg_van_nga_son.doc