PHƯƠNG PHÁP DẠY GIỜ BÀI TẬP VẬT LÍ Phan Văn Trường - THPT Trần Hưng Đạo I. Một số vấn đề còn tồn tại của tiết bài tập vật lí - Tiết bài tập rất khó dạy, ở chỗ không có một thiết kế nào cụ thể, tuỳ thuộc vào khả năng tiếp thu của học sinh, của chương trình. Nếu không xác định đúng mục tiêu rất dễ đi vào sự đơn điệu. - Một số giáo viên còn xem nhẹ tiết bài tập, chỉ dừng lại khi giải xong các bài tập ở sách giáo khoa. - Thiết kế tiết dạy thường không có sự khái quát, kết luận về từng vấn đề, nên học sinh khó có thể nêu lên được phương pháp giải bài tập liên quan. - Đa số bài tập ở sách giáo khoa chỉ dừng lại ở mức độ củng cố, và còn thiếu so với lượng kiến thức đã nêu trong lý thuyết. Do đó dẫn đến tình trạng: học sinh khá giỏi không thể phát huy được khả năng, học sinh ở mức độ trung bình trở xuống thì bế tắc khi gặp dạng bài tập khác. - Tiết bài tập trong phân phối chương trình còn ít. - Kĩ năng vận dụng kiến thức Toán cho việc giải bài tập còn hạn chế đối với một bộ phận không nhỏ học sinh. - Trong bộ sách ban cơ bản, một số đơn vị kiến thức không trình bày nhưng lại cho bài tập trong sách bài tập, nếu giáo viên không chịu tìm hiểu thì học sinh không biết đâu mà giải khi gặp loại bài tập như vậy. II.Phân loại và phương pháp giải bài tập vật lý 1. Bài tập vật lý định tính hay bài tập câu hỏi lý thuyết. - Là bài tập mà học sinh không cần phải tính toán (Hay chỉ có các phép toán đơn giản) mà chỉ vận dụng các định luật, định lý, qui luật để giải tích hiện tượng thông qua các lâp luận có căn cứ, có lôgich. 2. Bài tập vật lý định lượng Đó là loại bài tập vật lý mà muốn giải quyết nó ta phải thực hiện một loạt các phép tính. Dựa vào mục đích dạy học ta có thể phân loại bài tập dạng này thành 2 loại: + Bài tập tập dượt: Là bài tập đơn giản được sử dụng ngay khi nghiên cứu một khái niệm hay một qui tắc vật lý nào dó để học sinh vật dụng kiến thức vừa mới tiếp thu. + Bài tập tổng hợp; Là những bài tập phức tạp mà muốn giải nó học sinh vận dụng nhiều kiến thức ở nhiều phần, nhiều chương, nhiều cấp học và thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, khi các câu hỏi loại này được nêu dưới dạng trắc nghiệm khách quan thì yêu cầu học sinh phải nhớ kết quả cuối cùng đã dược chứng minh trước đó để giải nó một cách nhanh chóng. Vì vậy yêu cầu học sinh phải hiểu bài một cách sâu sắc để vận dụng kiến thức ở mức độ cao. 3. Bài tập đồ thị Đó là bài tập mà dữ kiện đề bài cho dưới dạng đồ thị hay trong quá trình giải nó ta phải sử dụng dồ thị. ta có thể phân loại dạng câu hỏi nay thành các loại: + Đọc và khai thác đồ thị đã cho: Bài tập loại này có tác dụng rèn luyện cho học sinh ký năng đọc đồ thị, biết cách đoán nhận sự thay đổi trạng thái của vật thể, hệ vật lý, của một hiện tượng hay một quá trình vật lý nào đó. Biết cách khai thác từ đồ thị những dữ để giải quyết một vấn đề cụ thể. + Vẽ đồ thị theo những dữ liệu đã cho : bài tập này rèn luyện cho học sinh kỹ năng vẽ đồ thị, nhất là biết cách chọn hệ tọa độ và tỉ lệ xích thích hợp để vẽ đồ thị chính xác. 4. Bài tập thí nghiệm (xây dựng phương án thực nghiệm) Đây là loại bài tập yêu cầu học sinh xây dựng phương án thực nghiệm để xác định một đại lượng hoặc kiểm tra một quy luật, một hiện tượng hoặc một điều kiện vật lý nào đó. Loại bài tập này có 2 mức độ: + Mức độ 1: Chỉ xây dựng phương án (tính toán lập luận trên giấy, không đo đạc, làm thí nghiệm thực) + Mức độ 2: Tíên hành làm thí nghiệm thực theo phương án đã vạch ra. III. Chuẩn bị của Giáo viên Để thực hiện tốt một tiết dạy bài tập vật lý, giáo viên cần chuẩn bị những yếu tố sau: 1. Xác định những kiến thức kỹ năng cần củng cố cho học sinh thông qua giờ bài tập đó: Thông thường giờ bài tập thường được bố trí sau từ 2 đến 3 giờ lý thuyết, tác dụng của giờ bài tập ở đây thường là củng cố những kiến thức kỹ năng đã học thông qua những giờ học lý thuyết trước đó do đó giáo viên cần phải xác định chính xác và cụ thể những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần củng cố cho học sinh để lựa chọn hệ thống bài tập thích hợp. 2. Lựa chọn hệ thống bài tập thích hợp: đây là một công việc rất quan trọng, để lựa chọn hệ thống bài tập phù hợp giáo viên cần dựa vào việc xác định những kiến thức kỹ năng cần củng cố cho học sinh và trình độ của học sinh. Sau đây là một số nguyên tắc về lựa chọn hệ thống bài tập: + Loại hình bài tập phải đa dạng: nên gồm nhiều loại bài tập trong giờ dạy (cả bài tập định tính, bài tập định lượng, bài tập thí nghiệm ...) . Sử dụng kết hợp các loại bài tập đó một cách khéo léo, tránh chỉ sử dụng một loại bài tập duy nhất gây đơn điệu nhàm chán trong học sinh. + Hệ thống bài tập phải phù hợp với trình độ của đa số học sinh, tránh đưa ra những bài tập quá dễ hoặc quá khó đối với trình độ chung của lớp. + Hệ thống bài tập phải trải đều khắp phạm vi kiến thức kĩ năng muốn củng cố cho học sinh, tránh chỉ tập trung bài tập tập trung vào một chủ đề kiến thức rất hẹp nào đó. IV. Những hoạt động thường được tổ chức trong một giờ bài tập vật lý 1. Gọi học sinh lên bảng trình bày lời giải : đây là hoạt động thường được giáo viên áp dụng nhiều nhất trong các giờ bài tập. Ở hoạt động này giáo viên sẽ nêu bài tập (đã đưa ra cho học sinh về làm ở nhà), gọi học sinh lên bảng tóm tắt và trình bày lời giải, gọi học sinh khác nhận xét lời giải, giáo viên tổng kết bài giải và kết luận. Hoạt động này có những ưu điểm và nhược điểm cụ thể như sau: - Ưu điểm: + Kiểm tra và biết được khả năng hiểu và vận dụng kiến thức của học sinh lên bảng chữa bài + Có thể phân tích và chỉ ra lỗi của học sinh một cách trực tiếp + Có thể rèn luyện cho học sinh kĩ năng trình bày bài tập. - Nhược điểm: + Trong một giờ bài tập chỉ kiểm tra được một số ít học sinh của lớp + Học sinh ở dưới lớp dễ mất trật tự nếu giáo viên không bao quát tốt. Để hoạt động này được tiến hành một cách có hiệu quả giáo viên cần lưu ý những nội dung sau: - Giao bài tập phù hợp với trình độ của học sinh: đối với một lớp thông thường có nhiều đối tượng học sinh với các mức độ học lực khác nhau nên khi giao bài tập giáo viên phải giao đúng đối tượng, bài tập đơn giản, dễ dành cho học sinh yếu và TB, bài tập phức tạp, nâng cao dành cho học sinh khá giỏi. - Bao quát lớp, tổ chức các hoạt động khác trong khi học sinh đang chữa bài trên bảng: Trong khi học sinh đang chữa bài trên bảng giáo viên có thể kiểm tra bài tập về nhà của học sinh dưới lớp, đặt câu hỏi định tính, hoặc ra bài tập bổ sung cho học sinh... - Phân tích kĩ những chỗ lỗi của học sinh: qua việc phân tích chỗ lỗi trong bài tập của học sinh để rèn cho cả lớp những kĩ năng còn yếu. - Tổng kết bài tập và chốt lại phương pháp giải cho cả lớp. 2. Hướng dẫn cả lớp giải chung một bài tập: Đây là một hoạt động cũng khả phổ biến trong các giờ bài tập. Ở hoạt động này giáo viên hướng dẫn học sinh cả lớp cùng giải chung một bài tập thông qua hệ thống câu hỏi. Hoạt động này thường được tiến hành khi có những bài tập phức tạp, phải giải qua nhiều bước, ở trong lớp chỉ có một số ít học sinh giải được. Chúng ta cùng phân tích đặc điểm của hoạt động này: - Ưu điểm: + Nhiều học sinh trong lớp cùng tham gia vào quá trình giải bài. + Học sinh hiểu các bước suy luận giải bài toán thông qua các câu hỏi của giáo viên + Giáo viên dễ bao quát lớp. - Nhược điểm: + Không phát hiện được những lỗi và những chỗ vướng mắc của học sinh khi giải bài tập. Để hoạt động này được tiến hành một cách có hiệu quả giáo viên cần lưu ý những nội dung sau: + Chuẩn bị hệ thống câu hỏi gợi ý dẫn dắt hợp lý: Đối với một bài tập giáo viên phải dự đoán được những chỗ khó mà học sinh hay mắc khi giải bài tập để từ đó lựa chọn câu hỏi, gợi ý dẫn dắt hợp lý. Sau đây là một ví dụ về hệ thống câu hỏi dẫn dắt chung: * Đọc, tóm tắt đề bài, đổi đơn vị, vẽ hình * Mô tả và tưởng tượng về hiện tượng nêu trong bài toán * Hiện tượng nêu trong bài toán có liên quan đến công thức đã học? * Viết ra các công thức và phương trình có liên quan? * Với các phương trình trên ta có xác định được cái cần tìm không? * Cụm từ "............." trong bài có nghĩa như thế nào? Với cụm từ đó ta có thể biểu diễn bằng phương trình toán học như thế nào? * Có thể giải PT/Hệ PT trên như thế nào? * Kết quả thu được có hợp lý không? + Linh hoạt trong quá trình đặt hệ thống câu hỏi gợi ý cho học sinh: Hệ thống câu hỏi, các yêu cầu phải phù hợp với đối tượng, không cứng nhắc trong việc đặt câu hỏi (nếu câu hỏi khó, lớp không trả lời được thì chia nhỏ câu hỏi đó thành những câu dễ hơn hoặc sử dụng sự liên tưởng, tưởng tượng để học sinh có thể trả lời được); Sử dụng khéo léo kĩ thuật đặt câu hỏi (hỏi có đối tượng trả lời, khen học sinh sau khi trả lời, có thể cho điểm với những câu trả lời tốt...) + Kết hợp tốt phần trình bày trên bảng với phần trả lời câu hỏi gợi ý của học sinh: Thông thường cứ sau những câu trả lời quan trọng có tác dụng định hướng lời giải của học sinh GV nên chốt lại trong phần trình bày bài giải trên bảng. + Tổng kết và chốt lại phương pháp giải chung của bài toán. 3. Giao phiếu học tập và chia nhóm để học sinh giải bài tập tại lớp: Ở hoạt động này, GV chuẩn bị các bài tập ra phiếu, chia lớp thành các nhóm để làm bài tập trong các phiếu. Hoạt động này thường tiến hành khi GV đã tiến xong hoạt động 1 hoặc hoạt động 2 ở trên. Để hoạt động này tiến hành có hiệu quả GV cần lưu ý: - Số lượng bài tập trong phiếu phải phù hợp với trình độ của học sinh. - Chia nhóm và giao nhiệm vụ thật cụ thể cho các nhóm (số lượng thành viên, nhóm trưởng, các bài tập cần làm, thời gian hoàn thành...). - Nên cho các nhóm làm bài tập trên bảng phụ, sau khi hoàn thành đem lên trình bày trên bảng. Theo dõi, bao quát hoạt động của các nhóm trong quá trình giải bài. - Cho các nhóm cử người lên trình bày bài tập của nhóm mình, các nhóm khác nhận xét. - GV tổng kết và chốt lại bài tập, đánh giá về hoạt động của các nhóm. 4. Các hoạt động khác: ngoài các hoạt động chính nói trên trong giờ bài tập vật lý có thể tiến hành thêm các hoạt động khác như sau: - Nêu câu hỏi định tính cho cả lớp cùng suy nghĩ, thảo luận tìm câu trả lời. - Ra các câu hỏi trắc nghiệm để cả lớp cùng làm chung - Tổ chức đặt các câu hỏi dưới dạng hình thức giống như các trò chơi trên truyền hình (Ai là triệu phú, đấu trường một trăm, đối mặt - Ra bài tập thí nghiệm cho học sinh (có thể ra ở giờ trước): V. Một số lưu ý chung khi tiến hành các hoạt động trong giờ bài tập 1. Sử dụng phối hợp nhiều hoạt động trong một giờ bài tập: nếu toàn bộ giờ học chỉ có một hoạt động duy nhất thì dễ gây đơn điệu, nhàm chán cho học sinh đặc biệt là những lớp có sự phân loại học sinh rõ nét. GV nên tiến hành ít nhất từ 2 đến 4 hoạt động nêu ở trên, đồng thời kết hợp các hoạt động với nhau một cách hợp lý. Điều đó sẽ giúp cho giờ học không còn đơn điệu, tạo điều kiện cho học sinh các loại đối tượng đều được tham gia hoạt động. 2. Nên khen ngợi và khuyến khích học sinh, cho điểm hợp lý, tuyệt đối không chê bai học sinh: Theo tâm lý học thì con người ai cũng thích được khen, ghét bị chê. Do đó việc khen ngợi học sinh sau khi làm được một bài tập (cho dù là dễ) hoặc trả lời được một câu hỏi là rất cần thiết (kể cả khi học sinh trả lời sai ta cũng khen ngợi vì học sinh đã suy nghĩ và nói lên suy nghĩ của mình). Việc khen ngợi và cho điểm hợp lý sẽ giúp cho học sinh tăng thêm sự hứng thú trong môn học. Bên cạnh đó nếu có chê trách học sinh thì nên thực hiện một cách khéo léo tế nhị, tránh làm học sinh bị tổn thương, tuyệt đối không được có mạt sát học sinh, điều này có thể dập tắt ngay sự hứng thú của học sinh đối với môn học vừa mới được hình thành. 3. Luôn luôn tổng kết và chốt lại phương pháp giải của các dạng bài tập đã nêu ra: đây là thao tác rất cần thiết nó giúp cho học sinh xác định được phương pháp chung giải bài tập theo dạng và lần sau có thể làm bài tập tương tự. Trên tinh thần phát huy tinh thần chủ động học tập, phát huy tính sáng tạo của học sinh trong việc vận dụng kiến thức thì dạy giờ bài tập trên lớp có một vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy có nhiều giáo viên không thích dạy hoặc không thấy thỏa mản qua dạy các giờ bài tập, nếu không chuẩn bị chu đáo. Hy vọng rằng, qua bài viết này các đồng nghiệp tham khảo vận dụng và góp ý trao đổi, đóng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Phan Văn Trường - THPT Trần Hưng Đạo
Tài liệu đính kèm: