Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2013 - 2014 - Môn Ngữ văn

pdf 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1645Lượt tải 4 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2013 - 2014 - Môn Ngữ văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2013 - 2014 - Môn Ngữ văn
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
VĨNH PHÚC 
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH 
LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2013-2014 
ĐỀ CHÍNH THỨC 
Môn: NGỮ VĂN THPT 
Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề 
Ngày thi: 25/10/2013 
Câu 1. ( 3,0 điểm) 
 Trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm sau: 
 Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được, con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi. 
Câu 2. (7,0 điểm) 
 Trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi (trích Nhật kí trong tù), Hồ Chí Minh viết: 
 Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp, 
 Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông; 
 Nay ở trong thơ nên có thép, 
 Nhà thơ cũng phải biết xung phong. 
 Anh/chị hãy giải thích quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh trong bài thơ trên và phân 
tích đoạn thơ sau để làm sáng tỏ quan điểm ấy: 
 Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu 
 Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái 
 Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại 
 Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương 
 Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm 
 Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên 
 Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh 
 Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm 
 Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi 
 Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha 
 Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy 
 Những cuộc đời đã hóa núi sông ta... 
(Nguyễn Khoa Điềm - Đất Nước - Ngữ văn 12 - Tập 1- trang 120 - NXB Giáo dục - 2008) 
-------------Hết-------------- 
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm. 
 Họ và tên thí sinh: ........................................ Số báo danh: ............................................. 
1 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
VĨNH PHÚC 
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH 
LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2013-2014 
ĐỀ CHÍNH THỨC 
HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN - THPT 
(gồm 04 trang) 
A. YÊU CẦU CHUNG 
 - Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý 
cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, 
khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo. 
 - Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của 
đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa. 
 - Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm. 
B. YÊU CẦU CỤ THỂ 
Câu 1 (3,0 điểm) 
 a. Về kĩ năng: 
 - Biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí, bố cục rõ ràng, lập luận chặt 
chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc. 
 - Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 
 b.Về kiến thức: 
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản 
sau: 
Ý Nội dung Điểm 
1. Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề (0,25 điểm) 
2. Giải thích quan niệm (0,75 điểm) 
 - Trí tuệ là khả năng nhận thức của lí tính, giúp con người đạt đến một trình độ 
hiểu biết nhất định. Muốn trí tuệ giàu lên, con người phải thường xuyên trau dồi, học 
hỏi, thu nhận, tích lũy kiến thức từ bên ngoài. Đó là cách thức nhận để làm giàu cho 
trí tuệ. 
- Con tim là biểu hiện của đời sống tình cảm, cảm xúc. Cách làm giàu của con 
tim khác với trí tuệ, nó chỉ trở nên giàu có khi cho đi tình yêu thương, sự chia sẻ 
niềm vui, nỗi buồn với người khác. Đây là cách thức cho để làm giàu trái tim. 
- Ý chung: Quan niệm trên đề cập đến cách thức làm giàu trái tim và khối óc 
của mỗi con người. Trí tuệ chỉ giàu có khi con người chịu khó học hỏi, tích lũy kinh 
nghiệm phong phú từ đời sống. Trái tim chỉ thực sự giàu có khi con người biết yêu 
thương, chia sẻ, hi sinh,... 
3. Bình luận (1,0 điểm) 
2 
 - Tri thức của con người không phải tự nhiên mà có, trong khi đó kho tri thức 
của nhân loại thì vô tận, luôn vận động và phát triển không ngừng. Vì vậy, muốn 
làm giàu tri thức cho mình, mỗi người cần phải học tập, trau dồi, tích lũy kiến thức. 
- Trái tim biết sẻ chia, biết yêu thương, biết rung động sẽ đem đến hạnh phúc 
cho mọi người và cho chính mình. Từ đó, con người sẽ cảm nhận được những ý vị 
ngọt ngào của cuộc sống, tâm hồn sẽ trở nên nhạy cảm, tinh tế, phong phú hơn. 
4. Mở rộng, nâng cao vấn đề (0,5 điểm) 
 - Con người chỉ hoàn hảo khi cả trí tuệ và trái tim cùng giàu có: 
 + Nếu trái tim không có trí tuệ dẫn đường sẽ dễ lạc lối. 
 + Nếu có trí tuệ mà không có sự rung động, nhạy cảm, tinh tế của trái tim thì 
cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu, tẻ nhạt thậm chí con người có thể gây ra tội ác. 
- Phê phán lối sống lười biếng, không chịu học hỏi, ích kỉ, vô cảm đang có 
nguy cơ lây lan trong xã hội hiện nay. 
5. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm) 
Câu 2 (7,0 điểm) 
 a. Về kĩ năng: 
 - Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận. 
 - Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. 
 - Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 
 b. Về kiến thức: 
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: 
Ý Nội dung Điểm 
1. Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề (0,5 điểm) 
2. Giải thích (1,5 điểm) 
 - Hai câu đầu nói về thơ xưa: Thơ xưa chú trọng nhiều đến vẻ đẹp của thiên nhiên 
như mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông,... Mỗi hiện tượng thiên nhiên gợi lên một vẻ 
đẹp. 
- Hai câu cuối nói về thơ nay: Thơ nay nên có chất thép, có tính chiến đấu và nhà 
thơ là người chiến sĩ tiên phong trên mọi mặt trận. Tuy nhiên, cần hiểu chất thép một 
cách linh hoạt, "không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép thì mới có tinh thần 
thép" (Hoài Thanh). 
- Như vậy, hai câu đầu nói lên nhận xét của Hồ Chí Minh về thơ xưa. Hai câu sau 
nói lên nguyện vọng của nhà thơ đối với thơ và vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ. Cả 
hai ý bổ sung cho nhau tạo nên một quan niệm sáng tác hoàn chỉnh, vừa phát huy 
3 
truyền thống văn thơ đuổi giặc của cha ông vừa nâng cao trong thời đại cách mạng vô 
sản. Quan niệm của Hồ Chí Minh không chỉ có tác dụng định hướng toàn bộ sáng tác 
văn học của Người mà còn là đường lối văn nghệ của Đảng: văn học là vũ khí, nhà văn 
là chiến sĩ. 
3. Phân tích đoạn thơ (3,5 điểm) 
 *Về nội dung: 
- Đoạn thơ là những phát hiện mới mẻ, độc đáo và có chiều sâu của Nguyễn Khoa 
Điềm về những cảnh quan kì thú của non sông gấm vóc. Những cảnh quan (núi Vọng 
Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên, núi con cóc, con gà,...) gắn liền với cuộc 
sống của nhân dân và chỉ trở thành thắng cảnh khi được tiếp nhận, cảm thụ qua tâm 
hồn nhân dân và qua lịch sử của dân tộc: 
+ Nếu không có sự hóa thân của nhân dân (những người vợ nhớ chồng, cặp vợ 
chồng yêu nhau, những Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm...), thì không có sự 
cảm nhận về núi Vọng Phu, hòn Trống Mái và những địa danh mang dấu ấn tâm hồn 
nhân dân. 
+ Nếu không có sự hóa thân của truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; 
truyền thống hiếu học của những người học trò nghèo thì không có sự cảm nhận về 
những núi Bút, non Nghiên và trăm ao đầm để lại cho tới ngày hôm nay. 
+ Nếu không có sự hóa thân của những sự vật thân thương, bình dị trong đời 
sống hàng ngày của nhân dân thì không có sự cảm nhận về những dòng sông xanh 
thẳm, những con cóc, con gà đã làm nên thế núi, hình sông. 
- Nhà thơ không cảm nhận những cảnh quan kì thú đơn thuần là thắng cảnh thiên 
nhiên mà trong đó là chiều sâu số phận, cảnh ngộ, công lao của mỗi người dân đã đóng 
góp, hóa thân vào Đất Nước. Đất Nước thấm sâu vào tâm hồn, máu thịt của nhân dân. 
- Từ những hiện tượng cụ thể, nhà thơ đã khái quát về sự hóa thân của nhân dân 
vào đất nước một cách giàu chất suy tư và triết luận: "Và ở đâu trên khắp ruộng đồng 
gò bãi - Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha - Ôi Đất Nước 
sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy - Những cuộc đời đã hóa núi sông ta". Hình 
tượng nhân dân hiện diện khắp nơi trên ruộng đồng gò bãi, trong lối sống, trong ao 
ước, khát vọng, trong suốt dọc dài đất nước hơn 4000 năm đã trở thành chủ nhân, linh 
hồn của lịch sử dân tộc, của đất nước. 
*Về nghệ thuật: 
- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc; sử 
dụng sáng tạo thể thơ tự do với sự biến đổi linh hoạt của âm hưởng, nhịp điệu; biện 
pháp liệt kê, trùng điệp;... 
- Sử dụng linh hoạt các chất liệu văn hóa để sáng tạo hình ảnh và thể hiện cách 
cảm nhận độc đáo về đất nước; cách triển khai ý thơ đi từ cụ thể đến khái quát phù hợp 
với các suy tưởng mang màu sắc chính luận. 
4 
- Ngôn ngữ gần gũi với đời sống mà vẫn mới mẻ; hình ảnh quen thuộc, gợi mở 
nhiều liên tưởng sâu sắc. 
4. Tính chiến đấu và vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ được biểu hiện trong đoạn 
thơ (1,0 điểm) 
 - Tính chiến đấu của đoạn thơ được thể hiện qua cảm nhận sâu sắc của tác giả về 
đất nước: Đất nước không trừu tượng, xa xôi mà được kết tinh, hóa thân trong cuộc 
sống hàng ngày của nhân dân và được xây dựng, bảo vệ, giữ gìn bằng máu xương của 
nhân dân qua trường kì lịch sử. 
- Cách cảm nhận ấy đã khơi dậy lòng tự hào về truyền thống, lịch sử dân tộc, về 
non sông gấm vóc; thái độ trân trọng vai trò, công lao của nhân dân trong xây dựng, 
bảo vệ đất nước; thức tỉnh lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và tinh thần đấu tranh của 
thế hệ trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đồng thời, cổ vũ tinh thần 
chiến đấu của toàn dân tộc. 
- Đoạn thơ trong Đất Nước thực sự là thứ vũ khí lợi hại, phụng sự đắc lực cho sự 
nghiệp cách mạng. Nguyễn Khoa Điềm không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là người chiến 
sĩ xung phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng và mặt trận chống giặc ngoại xâm. 
5. Đánh giá, nâng cao vấn đề (0,5 điểm) 
 - Bằng bút pháp chính luận - trữ tình, đoạn thơ là những cảm nhận sâu sắc, mới 
mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước: Đất Nước của Nhân dân. 
- Đoạn thơ đã thể hiện chất thép một cách linh hoạt, góp phần cụ thể hóa đường lối 
văn nghệ của Đảng và vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ trong thời đại mới. 
-------------Hết-------------- 

Tài liệu đính kèm:

  • pdfCHO_DOI_TUYEN_HSG.pdf