Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên (Có đáp án) - Năm học 2010-2011 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 1679Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên (Có đáp án) - Năm học 2010-2011 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Ngữ văn THPT chuyên (Có đáp án) - Năm học 2010-2011 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh
UBND TỈNH BẮC NINH
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
Năm học 2010 - 2011
Môn thi: Ngữ văn (Dành cho thí sinh thi vào chuyên Văn)
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian phát đề)
Ngày thi: 09 tháng 7 năm 2010
==========
Câu 1. (1,5 điểm)
 	Một bạn học sinh chép lại những câu thơ mở đầu tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật như sau:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió lùa vào mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.”
Trong những câu thơ trên, có một câu bị chép sai. Em hãy giúp bạn sửa lại chính xác câu thơ đó và giải thích việc chép sai như vậy ảnh hưởng đến giá trị của câu thơ như thế nào?
Câu 2. (1,5 điểm)
Cuối tác phẩm “Cố hương”, nhà văn Lỗ Tấn viết: 
“Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” 
Theo em, tác giả muốn gửi gắm điều gì qua hình ảnh con đường? 
Câu 3. (2,0 điểm)
	Từ việc cảm nhận nét đặc sắc của hai câu thơ:
	“Nếu những người mẹ không còn biết hát ru
	Thì những đứa trẻ sinh ra sẽ như cây non trồng xuống cát”.
	 (Đặng Hiển - Hội nhà văn Hà Nội)
	Em hãy viết một đoạn văn từ 14 đến 16 câu với chủ đề: ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống.
Câu 4. (5,0 điểm)
	Trong bài thơ “Thu vịnh” (Vịnh mùa thu), nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) viết:
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu,
Nước biếc trông như từng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào,
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào,
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”
Em hãy viết bài văn làm rõ nét tương đồng, gần gũi và điểm khác biệt về cảnh thu, tình thu trong bài thơ “Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến trên đây và bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh (Ngữ Văn lớp 9, tập 2).
========Hết========
(Đề thi có 01 trang)
Họ và tên thí sinh: . Số báo danh: 
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2010 – 2011
Môn: Ngữ văn (Dành cho thí sinh Chuyên Văn)
Câu 1. 
* Học sinh chép lại đúng câu thơ: Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng (0,25 điểm).
* Giải thích: Chép sai như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá trị biểu cảm của câu thơ:
- Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hoá “gió vào xoa mắt đắng”. (0,5 điểm)
- Hình ảnh thiên nhiên trong câu thơ của Phạm Tiến Duật thật sống động, có hồn. Thiên nhiên dường như cũng hiểu, cảm thông và muốn chia sẻ cùng với những nỗi nhọc nhằn, gian khó của người lính lái xe nên đã chủ động tìm đến giao hoà như những người bạn tri âm, tri kỷ. (0,5 điểm)
- Điều đó khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người lính cách mạng (0,25 điểm)
Câu 2. 
	Học sinh lí giải được ý nghĩa hình ảnh “con đường” trong truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn:
	Trong “Cố hương” nhà văn Lỗ Tấn đã hơn một lần nhắc đến hình ảnh “con đường” (0,25 điểm)
- Hình ảnh con đường thứ nhất: Hình ảnh con đường thuỷ, con đường sông nước đưa nhân vật “Tôi” (Tấn) trở về quê hương, đưa nhân vật “Tôi” và gia đình rời quê hương. Đó là hình ảnh tượng trưng cho sự thay đổi luân chuyển của cuộc sống. Con người cũng như nước, như dòng chảy không ngừng của dòng sông (0,25 điểm).
- Hình ảnh con đường ở cuối truyện: hình ảnh con đường trong suy nghĩ liên tưởng của nhân vật “Tôi”. Hình ảnh này thuần nghĩa biểu trưng, biểu tượng, khái quát triết lý về cuộc sống, con người hiện tại đến tương lai. Đó là con đường tự do, hạnh phúc của con người, con đường của tự thân vận động, xây dựng và hi vọng của con người. Con đường không tự nhiên mà có, không do thần linh hay chúa trời ban tặng mà do chính con người, nhiều người đi mãi, đi nhiều góp phần tạo dựng nên. (0,5 điểm)
- Trong tác phẩm “Cố hương” hình ảnh con đường từ hiện thực đến khái quát hoá đã thể hiện niềm tin, khát vọng của nhà văn cách mạng Lỗ Tấn cũng như những con đường trên mặt đất, mọi thứ trong cuộc sống này không tự có sẵn. Nhưng nếu muốn, bằng cố gắng và kiên trì con người sẽ có tất cả. Qua hình ảnh con đường, ông muốn thức tỉnh người dân làng mình nói riêng, người dân Trung Quốc nói chung không cam chịu sống nghèo hèn áp bức. Ông tin ở thế hệ con cháu sẽ mở đường đến ấm no, hạnh phúc. (0,5 điểm)
Câu 3.
Yêu cầu về hình thức: (0,5 điểm)
Viết đoạn văn tối thiểu là 14 câu, tối đa là 16 câu.
Lập luận chặt chẽ, logic.
Yêu cầu về nội dung:
* Từ việc cảm nhận cái hay cái đẹp về nội dung và nghệ thuật của hai câu thơ mà
khái quát thành một vấn đề có ý nghĩa xã hội: ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống.
	* Cụ thể đoạn văn cần đảm bảo các ý sau:
	- Hình ảnh so sánh: “Những đứa trẻ như cây non trồng xuống cát” cụ thể, giàu sức gợi, tác giả Đặng Hiển khẳng định: tâm hồn con người sẽ cằn cỗi khi tuổi thơ thiếu những lời hát ru. Với kết cấu “Nếu.thì”, hai câu thơ phải chăng là những trăn trở của tác giả trước một hiện thực cuộc sống như thức tỉnh mọi người - nhất là những người mẹ trẻ: cuộc sống hiện đại đầy biến động, con người dễ bị công việc, danh vọng, tiền tài cuốn hút, đó cũng là lí do để những điệu ru ầu ơ được thay thế bằng những dàn nhạc hiện đại? Như vậy tâm hồn con người thật trống trải vì thiếu vắng những yếu tố nhân bản. (0,75 điểm)
	- Hát ru là nét đẹp truyền thống văn hoá, là di sản văn hoá tinh thần của dân tộc bắt nguồn từ đời sống của mỗi con người “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy). Hát ru đã gắn bó với cuộc sống con người ở mọi thời đại là điệu hồn dân tộc. Cuộc sống con người không thể thiếu hát ru. (0,75 điểm)
Câu 4.
A. Yêu cầu chung:
1. Nội dung: Học sinh phải chỉ ra được những nét tương đồng, gần gũi, những điểm khác biệt về cảnh thu, tình thu trong hai bài thơ “Thu vịnh” (Nguyễn Khuyến) và “Sang thu” (Hữu Thỉnh).
2. Hình thức: Bài viết thể hiện rõ kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học (so sánh đối chiếu hai hay nhiều tác phẩm); có bố cục rõ ràng, cân đối; diễn đạt lưu loát có chất văn; chữ viết, cách trình bày sạch đẹp.
B. Yêu cầu cụ thể:
Bài viết cần đảm bảo các ý sau:
1. Mùa thu từ bao đời nay và chắc chắn mãi mãi là nguồn thi hứng, là đề tài hấp dẫn cho thơ ca nhân loại. Cho đến nay, nhân loại đã có không biết bao nhiêu là bài thơ thu hay. Ở Việt Nam ta không thể không kể đến những câu thơ tuyệt tác viết về mùa thu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, chùm thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, “Cảm thu, tiễn thu” của Tản Đà, “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, “Sang thu” của Hữu Thỉnh Với từng cách nhìn cách nghĩ khác nhau, mỗi bài thơ tạo nên những ấn tượng riêng về mùa thu.
2. “Thu vịnh” nằm trong chùm thơ mùa thu gồm ba bài nổi tiếng (Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm) của Nguyễn Khuyến. “Sang thu” (1977) là bài thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước những chuyển biến của đất trời từ hạ sang thu. Đó không chỉ là một bài thơ hay, tiêu biểu cho phong cách thơ Hữu thỉnh (đậm màu sắc triết luận có sức nặng của suy ngẫm và chiêm nghiệm) mà còn là một bài thơ tiêu biểu cho những bài thơ thu sau cách mạng.
3. Nét tương đồng gần gũi của hai bài thơ: hai bài thơ đều nói đến chủ đề mùa thu, trong đó cảnh thu mang những nét đặc sắc và thấm đượm tâm trạng của thi nhân trước mùa thu. 
* Cảnh thu: 
- Ở hai bài thơ, hai tác giả đều miêu tả cảnh thu nơi làng quê quen thuộc: màu trời, ngọn trúc, mặt nước, ánh trăng, hoa trước giậu, tiếng ngỗng trong đêm vắng (Thu vịnh); hương ổi, gió se, màn sương, dòng sông, cánh chim, đám mây, nắng mưa, sấm, hàng cây (Sang thu). Những hình ảnh này hoàn toàn mới, không có trong thơ xưa khi nói về mùa thu. Như vậy, cả hai nhà thơ đã vượt lên trên những công thức sáo mòn, cũ kĩ.
- Không gian nghệ thuật của cả hai bức tranh thu đều được mở rộng ở chiều cao, độ rộng của bầu trời (đám mây, ánh trăng, cánh chim bay) ở dòng sông (mặt nước).
- Độ nhạy bén tinh vi trong sự cảm nhận cảnh thu: Cụ Tam nguyên Yên Đổ lấy “cần trúc lơ phơ” để tả cái nhẹ tênh của gió. Anh thanh niên Hữu Thỉnh ở đời sau lấy “hương ổi” để gợi ra sự vận động nhẹ nhàng của gió thu se se, lành lạnh
- Hai bài thơ, hai bức tranh thuỷ mặc chấm phá cảnh thu đơn sơ, thanh thoát trong đó mọi chi tiết, màu sắc, đường nét, cử động đều hài hoà giao cảm với nhau.
* Tình thu:
- Hai bài thơ, hai bức tranh tả cảnh thu nhưng thực chất là để nói ra điều sâu kín nhất của lòng mình (tả cảnh ngụ tình). Và như thế cảnh thu là hồn thu, hồn thu chính là hồn người. Như vậy, cả hai bức tranh thu đều chất chứa nỗi niềm tâm sự của thi nhân.
4. Điểm khác biệt của hai bài thơ.
* Cảnh thu:
- “Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến đã thực là thu, nó không còn vương vấn chút gì của mùa hè rực lửa. Còn “Sang thu” của Hữu Thỉnh viết về mùa thu nhưng lại là khúc giao mùa: hạ chưa qua hẳn mà thu mới vừa chợt đến. 
- Cảnh trong “Thu vịnh” man mác một nỗi buồn rất êm, rất nhẹ đồng điệu với tâm hồn Nguyễn Khuyến. Còn cảnh trong “Sang thu” là cảnh thu mới mà cũng là tình thu mới, là niềm vui của Hữu Thỉnh trước sự chuyển biến của thiên nhiên, đất trời từ hạ sang thu.
* Tình thu:
- Nguyễn Khuyến sống ở cuối thế kỷ XIX trong cảnh đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, quá khứ (thời đất nước được độc lập, cuộc đời còn đạo lý kỷ cương) không còn nữa. Nhà thơ không khỏi bâng khuâng, luyến tiếc quá khứ tốt lành, thương đau, xót xa nhưng bất lực trước vận mệnh của đất nước. Tình cảm ấy đã thấm sâu vào lòng thu. Hồn thu và hồn người có nhiều chỗ trùng hợp tâm giao “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Cảnh thu buồn, tình thu buồn mà vẫn đẹp đó là một đặc điểm cảm hứng thẩm mĩ của những vần thơ viết về mùa thu trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Hữu Thỉnh là nhà thơ - người lính trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. “Sang thu” được tác giả viết năm 1977, khi đất nước đã sạch bóng quân thù, thi nhân là người tự do cùng nhân dân làm chủ đất nước. Cảnh thu như trẻ lại, mới lại, tươi vui nên tâm trạng thi nhân cũng vui tươi, náo nức, ngất ngây. Đó cũng là cảm hứng chủ đạo của thơ ca viết về mùa thu sau cách mạng mà “Sang thu” là trường hợp tiêu biểu.
- “Sang thu” còn thể hiện những suy ngẫm của nhà thơ về cuộc đời về con người. Những hình ảnh thiên nhiên trong thơ Hữu Thỉnh vừa có tính tả thực (hình ảnh sấm, hàng cây đứng tuổi ở khổ thơ cuối tả thực về thiên nhiên: lúc thu sang bớt đi những tiếng sấm bất ngờ nên hàng cây cổ thụ không bị giật mình vì tiếng sấm) vừa là hình ảnh ẩn dụ (sấm là những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, hàng cây đứng tuổi là những người từng trải. Khi con người ta từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời).
5. “Thu vịnh” và “Sang thu” đều là những bài thơ đặc sắc về chủ đề mùa thu. Đó là những bức tranh về cảnh thu, sắc thu không rực rỡ nhưng rất hữu tình, nên thơ qua đó các tác giả làm hiện lên cái hồn thu thanh nhẹ, êm đềm, mênh mang đầy thi vị.
	Hai bài thơ, hai tác giả ở hai thời đại khác nhau với cách cảm, cách diễn đạtkhác nhau nhưng đều lắng đọng và hồn nhiên. Mỗi bài thơ là một tiếng lòng trang trải, một tiếng thu nồng hậu gửi gắm bao tình yêu mùa thu quê hương đất nước của Nguyễn Khuyến, Hữu Thỉnh để lại những dấu ấn đẹp, sâu sắc trong lòng người đọc.
C. Biểu điểm
- Điểm 5: Bài viết chỉ ra được những nét tương đồng, gần gũi, những điểm khác biệt về cảnh thu, tình thu trong hai bài thơ “Thu vịnh” (Nguyễn Khuyến) và “Sang thu” (Hữu Thỉnh), có bố cục cân đối, luận điểm, luận cứ rõ ràng, diễn đạt có cảm xúc, chữ viết sạch đẹp, ít mắc lỗi chính tả.
- Điểm 3 - 4: Chỉ ra được những nét tương đồng, gần gũi, những điểm khác biệt về cảnh thu, tình thu trong hai bài thơ “Thu vịnh” (Nguyễn Khuyến) và “Sang thu” (Hữu Thỉnh), bố cục cân đối, song luận cứ chưa phong phú sâu sắc. Còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 1 - 2: Bài viết sơ sài, không rõ luận điểm, phương pháp nghị luận còn yếu. Bố cục không cân đối, chữ viết cẩu thả, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.
Lưu ý: Giám khảo vận dụng sáng tạo việc cho điểm phù hợp với bài viết thực tế của học sinh. Có thể cho điểm các ý như sau:
Ý 1: 0,5 điểm.
Ý 2: 0,5 điểm
Ý 3: 1,5 điểm.
Ý 4: 1,5 điểm.
Ý 5: 0,5 điểm
Điểm hình thức 0,5 điểm. ======Hết======
(Hướng dẫn chấm có 03 trang)

Tài liệu đính kèm:

  • docVan Chuyen.doc