Đề ôn thi THPT quốc gia Ngữ văn năm 2016 lần 6 - Trường THPT Vĩnh Yên

docx 8 trang Người đăng dothuong Lượt xem 382Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề ôn thi THPT quốc gia Ngữ văn năm 2016 lần 6 - Trường THPT Vĩnh Yên", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề ôn thi THPT quốc gia Ngữ văn năm 2016 lần 6 - Trường THPT Vĩnh Yên
MA TRẬN ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016, LẦN THỨ 6
Môn: Ngữ Văn
Mức độ
Chủ đề
Nhận biết
Thông hiểu
Vận dụng thấp
Vận dụng cao
Tổng số
I. Đọc - hiểu
- Nhận biết được các phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, thành ngữ được dùng và vấn đề được đề cập trong văn bản
- Phân tích ý nghĩa của từ
- Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ
- Viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của mình
Số câu
Số điểm
Tỉ lệ
5
2,0
 20%
2
0,5
5%
1
0,5
5%
8
3,0
 30%
II. Làm văn
- Nhận biết được về tác giả, tác phẩm, tình huống, nhân vật trong câu NLVH
- Phân tích được những khía cạnh của vấn đề trong câu NLXH
- Vận dụng kiến thức xã hội và kĩ năng tạo lập văn bản để viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội
- Vận dụng kiến thức làm văn để viết bài nghị luận VH
- So sánh để thấy được sự tương đồng và khác biệt của hai đoạn văn, lý giải được sự khác biệt đó
Số câu
Số điểm
Tỉ lệ
0,5
2,0
 20%
0,5
1,5
 15%
0,75
2,5
 25%
0,25
 1,0
 10%
2
7,0
 70%
Tổng số câu
Tổng số điểm
Tỉ lệ
5,5
4,0
 40%
 2,5
2,0
 20%
1,75
3,0
 30%
0,25
1,0
 10%
 10
10,0
 100%
 Người ra đề và đáp án: Nguyễn Văn Lự
 THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG PTTH VĨNH YÊN
˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗
(Đề thi gồm có 02 trang)
ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016 LẦN 6
Môn: Ngữ Văn. Ngày thi 18 tháng 6 năm 2016
Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian phát đề
˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗˗
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
“(1)Tôi không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong những năm qua. Nhưng tôi là người đầu tiên, giống như nhiều người trong các bạn, lớn lên khi cuộc chiến giữa hai nước đã không còn. Khi quân đội Mỹ rời Việt Nam, tôi mới 13 tuổi. Lần đầu tôi biết đến Việt Nam, gặp gỡ người Việt, là khi lớn lên ở Hawaii, nơi có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt kiêu hãnh sinh sống.
(2)Ở Việt Nam cũng vậy, có những người trẻ hơn tôi rất nhiều, như tuổi của hai con gái tôi, đã lớn lên chỉ biết có hòa bình và quan hệ bình thường giữa hai nước. Vì thế tôi đến đây, hiểu về quá khứ, lịch sử khó khăn của chúng ta, nhưng tập trung vào tương lai, vào sự thịnh vượng, an ninh và phẩm giá con người mà chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy.Tôi cũng đến đây với lòng tôn trọng sâu sắc đối với di sản cổ xưa của Việt Nam. Hàng thiên niên kỷ qua, nông dân đã trồng cấy trên mảnh đất này. Lịch sử đó được ghi trên Trống đồng Đông Sơn. Uốn lượn theo con sông này, Hà Nội đã trải qua hơn một nghìn tuổi. Thế giới rất quý lụa và tranh Việt Nam, Văn Miếu đứng đó tượng trưng cho lòng hiếu học của dân tộc các bạn.
(3)Nhưng trong nhiều thế kỷ, số phận của các bạn thường do người khác áp đặt, mảnh đất yêu thương của các bạn không phải lúc nào cũng nằm trong tay các bạn. Nhưng như cây tre, tinh thần không thể bẻ gãy của các bạn đã được Lý Thường Kiệt khắc họa: Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách Trời”.
 (Trích Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama, tại Hà Nội, ngày 24/4/2016)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0,25điểm)
Câu 2. Chỉ rõ và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn “Nhưng tôi là người đầu tiên, giống như nhiều người trong các bạn, lớn lên khi cuộc chiến giữa hai nước đã không còn”. (0,5điểm)
Câu 3. Trong đoạn văn trên, Tổng thống Mỹ nhắc đến hai sản phẩm được làm thủ công nổi tiếng thế giới của Việt Nam. Hãy viết 5-7 dòng giới thiệu vắn tắt về hai sản phẩm ấy (0,5điểm)
Câu 4. Gọi tên phép liên câu tác giả sử dụng nhiều nhất trong đoạn (2).(0,25điểm)
Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:
 MÙA XUÂN XANH
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
               (Nguyễn Bính, theo Thơ Nguyễn Bính, NXB Giáo dục, 2002)
Câu 5. Bài thơ trên được viết theo thể loại nào? (0,25 điểm)
Câu 6. Chỉ ra dấu hiệu đặc sắc của mùa xuân trong bài thơ trên. (0,25 điểm)
Câu 7. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ từ vựng trong khổ thơ thứ nhất. (0,5điểm)
Câu 8. Anh, chị hãy nêu đại ý của bài thơ. (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Anh, chị hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng nhiều người nghiện chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội internet? Bài viết khoảng 600 chữ. 
Câu 2. (4,0 điểm)
	Anh, chị hãy trình bày suy nghĩ về nhận xét:
Nét bút vừa hiện thực vừa lãng mạn khắc vẽ chân dung đoàn binh Tây Tiến của Quang Dũng đã làm xúc động nhiều thế hệ người đọc trong đoạn thơ : 
“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.” 
                                                                   (Quang Dũng, Tây Tiến, Ngữ văn 12, NXBGDVN, 2015)
 - HẾT-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:....; Số báo danh:
Người ra đề và đáp án: Nguyễn Văn Lự
THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KSCL SỐ 6-2016
(Dựa theo Hướng dẫn chấm chính thức của Bộ giáo dục và Đào tạo năm 2015)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. Văn bản đã cho được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.
-Điểm 0,25: Trả lời đúng theo cách trên. 
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời. 
Câu 2. Thành phần biệt lập phụ chú. (giống như nhiều người trong các bạn,)
- Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên. 
- Điểm 0,25: Trả lời đúng một nội dung. 
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3. Học sinh có thể kể tên các sản phẩm:
- Lụa Hà Đông
- Tranh Đông Hồ
Học sinh có thể nêu vắn tắt về sản phẩm chính xác về chất liệu tơ tằm, công nghệ thủ công tinh tế, màu sắc đẹp, bền (lụa Hà Đông); tranh làm thủ công, theo khuôn gỗ, nhiều đề tài gần gũi, giản dị và tinh tế, hóm hỉnh, màu sắc dùng màu trong tự nhiên, bền đẹp, in trên giấy Dó.
-Điểm 0,5: Trả lời cơ bản đúng, đầy đủ 2 tên sản phẩm.
- Điểm 0,25: nêu đúng tên hai sản phẩm hoặc nêu được ý hiểu về một sản phẩm.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4. Trong đoạn (2), tác giả sử dụng nhiều phép liên kết lặp để liên kết câu. Lặp từ (tôi) 
- Điểm 0,25: Nêu đúng tên và chỉ ra từ lặp (tôi) hoặc gọi đúng phép liên kết lặp.
- Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau: 
Câu 5. Bài thơ trên viết theo thể loại thơ tự do hoặc thơ thất ngôn (7 chữ).
- Điểm 0,25: Trả lời đúng một trong các ý trên. 
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 6. Dấu hiệu đặc sắc của bài thơ là màu xanh của mùa xuân.
 	- Điểm 0,25: Trả lời đúng . 
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời. 
Câu 7. Biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ là:
+Lặp từ (ở) 5 lần. Ở giời, ở lá, ở đồng nàng, ở đồng tôi, ở đồng anh.
+ Tác dụng: miêu tả màu xanh hiện lên rõ nét, khắp mọi nơi, mọi chốn, ngập tràn, bát ngát màu xanh tươi đẹp và đầy sức sống.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng biện pháp tu từ , nêu được cơ bản ý hiểu về tác dụng . 
 	 - Điểm 0,25: Trả lời đúng biện pháp tu từ lặp từ (ở) hoặc nêu được ý bát ngát, tươi đẹp của màu xanh mùa xuân.
 	 - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời 
Câu 8. Bài thơ đã thể hiện bức tranh mùa xuân trong sáng, tươi trẻ, đầy màu xanh non. Chàng trai cày đợi người yêu đến tự tình, tâm sự giữa cảnh mùa xuân đẹp rực rỡ, ngập tràn màu xanh hi vọng và tuyệt đẹp.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. 
- Điểm 0,5: Nêu ngắn gọn hai ý cảnh và tình trên.
- Điểm 0,25: Nêu được một trong 2 ý (cảnh và tình) trên hoặc hiểu được ý nhưng diễn đạt chưa rõ ràng.
- Điểm 0: Câu trả lời chung chung, không rõ ý hoặc không viết gì.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
A. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 
B. Yêu cầu cụ thể: 
1) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với việc học tập.
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung. 
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 
3. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các nội dung sau:
a. Giải thích (0,25điểm)
- Chia sẻ thông tin cá nhân với mọi người là cách sống cởi mở và hội nhập của con người hiện đại khi các nhu cầu cần giải tỏa nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng và cập nhật đăng tải lên các trang mạng xã hội. 
- Nghiện công khai và chia sẻ thông tin cá nhân trở thành thói quen, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, trong cảnh ngộ và tâm trạng như thế nào cũng có thể chia sẻ tức thời tạo nên nhiều nguy cơ vừa có lợi vừa hại. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào lượng thông tin và nội dung thông tin.
b. Phân tích - Bàn luận (1,25điểm)
+ Hiện nay, chúng ta bắt gặp hiện tượng nhiều người dùng điện thoại, máy tính ở bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào chia sẻ nhiều thứ. Họ muốn chia sẻ tất cả hình ảnh hay thông tin, tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc trên các trang mạng xã hội như Fecebook, Twitter, Intasgram. Zalo... Khi đăng tải những thông tin này bản thân người chia sẻ hi vọng sẽ nhận được những lời đồng cảm, tán dương, ngợi khen hay phản đối.
+ Nhiều người nghiện chia sẻ thường tận dụng nhiều thời gian để cập nhật thông tin. Dấu chân và trạng thái con người của họ như một nhật ký ghi trên dòng thời gian mà không cần và không thể có ai kiểm chứng được nội dung và chất lượn cũng như tác động, ảnh hưởng của nó như thế nào. 
+ Mạng xã hội là thế giới ảo, nội dung đăng tải có tính đa chiều giúp chúng ta tham khảo học tập, giải trí và ảnh hưởng của thông tin đó là thật. 
+ Việc chia sẻ này có thể mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới công việc, học tập, bỏ lỡ những cơ hội tốt cho tương lai, nhất là giới trẻ học sinh sinh viên.
+ Chia sẻ thông tin cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến người liên quan, đến tổ chức, cơ quan hay cá nhân khác, dù cố ý hay vô tình, đều có thể gây sự phiền phức, thậm chí phạm điều cấm trong Pháp luật. Trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng, chỉnh sửa, tống tiền gây ra những tổn hại về vật chất và tinh thần hoặc nguy hiểm đến bí mật và an ninh, sự bình yên và cuộc sống của bản thân và người khác, đối tượng khác. 
+ Một số người muốn chia sẻ nhằm giải tỏa tâm trạng bế tắc; muốn chia sẻ niềm vui, hạnh phúc; muốn khẳng định bản thân và bày tỏ kỳ vọng ước mơ. Nhờ mạng xã hội họ thêm người tri kỷ tri âm, thêm niềm tin cuộc sống. Đó cũng là việc làm tốt đẹp hòa nhập, đồng cảm với mọi người.
+Nghiện chia sẻ hay chia sẻ quá giới hạn làm người ta không còn giữ được bí mật và an toàn. Nhưng thông tin về bản thân có thể làm hại mình, làm mình thêm bi quan và suy sụp, chán nản và sẽ bị người khác lợi dụng để giết chết bạn dần dần. Đó là việc làm vô cùng nguy hiểm nếu không kiểm soát được.
 c. Bài học nhận thức và hành động (0,25điểm)
- Mỗi chúng ta cần ý thức giữ gìn bí mật bản thân và hiểu việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại thế nào cho phù hợp và hữu ích.
- Phê phán những người có thói quen nghiện chia sẻ và chia sẻ tùy tiện các thông tin về mình trên internet.
- Dành thời gian cho những công việc khác thiết thực hơn; tuyên truyền mọi người hiểu được những giá trị chân thực của cuộc sống và ý thức nghiêm túc khi muốn hia sẻ những điều về mình.
Thí sinh tự rút bài học và hành động bản thân
 (Học sinh đưa một vài dẫn chứng ngắn gọn minh hoạ mỗi nội dung)
Cách cho điểm:
- Điểm 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. 
- Điểm 1,50: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,5: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
4) Sáng tạo (0,25 điểm) 
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
5) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
Câu 2 (4,0 điểm)
A. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 
B. Yêu cầu cụ thể: 
1) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nghệ thuật khắc họa chân dung người lính Tây Tiến vừa hiện thực, vừa lãng mạn.
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung. 
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 
 3)Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, song cần đảm bảo các nội dung:
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm (0,5điểm)
-Quang Dũng là một nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ đa tài và lãng mạn, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm của Quang Dũng gây ấn tượng ở khả năng liên tưởng phong phú, cảm hứng hiện thực, hào hoa cùng những sáng tạo độc đáo trong cấu trúc, hình ảnh thơ giàu tính hiện thực và lãng mạn.
 - Bài thơ Tây Tiến thể hiện sự nỗi nhớ thương da diết của Quang Dũng về cuộc đời, lý tưởng và sự hi sinh bất tử của người lính Tây Tiến. Nét bút vừa hiện thực vừa lãng mạn khắc vẽ chân dung đoàn binh Tây Tiến của Quang Dũng đã làm xúc động nhiều thế hệ người đọc.
+ Cảm nhận về nghệ thuật khắc họa vừa hiện thực và lãng mạn hình tượng người lính Tây Tiến:(1,75 điểm)
- Nét vẽ giàu hiện thực ngoại hình và thế giới tâm hồn người chiến sĩ :
 	Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
 	Quân xanh màu lá dữ oai hùm
 	-Những người lính Tây Tiến mang một ngoại hình rất kì lạ : đầu không mọc tóc, da xanh như màu lá, và mắt “trừng” cho thấy sự kì dị khác thường, dữ dằn. Lính Tây Tiến trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Căn bệnh sốt rét rừng đã hoành hành dữ dội khiến cho người chiến sĩ “chết trận thì ít, chết vì bệnh tật thì nhiều hơn”. 
-Ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng miêu tả chiến sĩ Tây Tiến không vừa rất thật rất thực tế lại vừa pha chút tinh nghịch, tự hào và ngạo nghễ với cái đầu không mọc tóc, với màu da xanh xao. Những chàng trai trẻ ra đi chiến đấu khi mái tóc hãy còn xanh, da còn hồng hào nhưng giờ đây họ có một hình hài khác nhưng họ không ốm yếu và buồn chán, bi quan. Dáng vẻ vẫn như hùm thiêng giữa rừng Tây Bắc.
- Một thế giới tâm hồn rất đỗi đời thường đầy mơ mộng :
 	“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
 	Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Những câu thơ khái quát lý tưởng người trai thời loạn: đánh đuổi giặc thù và mơ về hạnh phúc. Nỗi nhớ và hoài bão lớn (trừng mắt, mở to, thao thức nhiều đêm) lập công danh, chiến thắng trở về bên người đẹp trong hạnh phúc. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ (Tây Tiến đoàn binh) tạo nên giọng điệu hùng tráng, mạnh mẽ lấn át cái gian khổ, tiều tụy về hình vẻ bề ngoài. Và nghệ thuật tương phản làm rõ sự đối lập giữa ngoại hình và tâm hồn cùng với việc sử dụng từ ngữ cường điệu nhưng rất gẫn gũi với lời nói, suy nghĩ của những chàng trai trẻ nơi phố phường hà Nội mơ hóa thành tráng sĩ như trong sử sách thời xưa.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
- Sử dụng ngôn ngữ: nhiều từ Hán Việt như biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành, Quang Dũng muốn miêu tả chân thực sự thật của chiến trường khi đó. Những cái chết bất ngờ, nhẹ nhàng và thanh thản của đồng đội như giấc ngủ bỏ quên đời nơi rừng sâu, biên giới xa lắc, hoang vu. Từ ngữ còn nhuộm màu sắc lãng mạn làm cho sự hy sinh của đồng đội thật hào hùng, trang trọng và thiêng liêng, bay bổng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.”
 	- Nhà thơ còn dùng các từ ngữ, hình ảnh vừa thực tế vừa lãng mạn: chẳng tiếc đời xanh, áo bào thay chiếu, về đất, gầm lên, độc hành , diễn tả sự đau đớn và thương tiếc bình dị như cuộc trở về với đất mẹ khi xong hết việc của đời. Trong tình cảm của người ở lại và nhà thơ, các anh được tôn vinh như những người anh hùng dân tộc. Đất mẹ đã mở rộng vòng tay đón các anh về trong âm vang của tiếng vọng sông Mã tiễn đưa để hòa vào hồn thiêng sông núi.
 	+ Đánh giá (0,5điểm)
- Tây Tiến là một trong những bài thơ đặc sắc của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp, góp phần khắc họa hoàn chỉnh bức tượng đài bi tráng của người vệ quốc quân vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong văn học kháng chiến. 
- Đoạn thơ thể hiện rõ nét độc đáo, đặc sắc của phong cách thơ Quang Dũng: tài hoa, lãng mạn, đầy sáng tạo trong ngôn ngữ giàu chất hội họa và âm nhạc. Bài thơ Tây Tiến vẫn còn mãi đó để gợi nhăc về một thời lịch sử chiến đấu đầy khổ đau mà vĩ đại về những năm tháng không thể nào quên.
Cách cho điểm 
- Điểm 2,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nội dung trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa đầy đủ hoặc chặt chẽ. 
- Điểm 1,50 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 1,00: Đáp ứng được 1/3 các nội dung trên. 
- Điểm 0,5: bài viết lan man, không rõ ý hoặc viết sơ sài. 
- Điểm 0: Không làm bài hoặc viết được một vài dòng. 
4) Sáng tạo (0,25 điểm) 
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
5) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- HẾT-
Lưu ý:
Giám khảo cân nhắc cho điểm phù hợp để nắm chất lượng học sinh thực tế. Vận dụng như chấm thi chính thức.

Tài liệu đính kèm:

  • docxDe_KSCL_lop_12_lan_6VP2016.docx