Đề kiểm tra năng lực chuyên môn giáo dục mầm non (lớp 4-5 tuổi; 5-6 tuổi)

doc 5 trang Người đăng TRANG HA Lượt xem 2503Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra năng lực chuyên môn giáo dục mầm non (lớp 4-5 tuổi; 5-6 tuổi)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra năng lực chuyên môn giáo dục mầm non (lớp 4-5 tuổi; 5-6 tuổi)
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
HỘI THI GVDG CẤP TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016
ĐỀ KIỂM TRA NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN
Giáo dục mầm non (lớp 4-5 tuổi; 5-6 tuổi)
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 09 tháng 12 năm 2015
=========== 
Câu 1 (2,0 điểm):
Khi xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động trong nhóm, lớp giáo viên cần thực hiện theo các nguyên tắc nào? Theo đồng chí phải sắp xếp bố trí môi trường hoạt động cho trẻ tại nhóm, lớp của mình như thế nào cho phù hợp.
Câu 2 (3,0 điểm):
 	Đồng chí hãy nêu nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mẫu giáo và những điểm cần lưu ý khi giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ?
Câu 3 (3,0 điểm):
Giao tiếp có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển nhân cách của trẻ? 
Đồng chí đã sử dụng những biện pháp nào để giáo dục phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, liên hệ thực tế.
Câu 4 (2,0 điểm): 
Đồng chí hãy cho biết những yêu cầu chuẩn bị khi tổ chức một giờ thể dục, thuộc lĩnh vực giáo dục thể chất ở lứa tuổi mình phụ trách? 
========Hết========
(Đề có 01 trang)
HƯỚNG DẪN CHẤM
HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2015-2016
VÒNG KIỂM TRA NĂNG LỰC 
Giáo viên mầm non (lớp 4-5 tuổi; 5-6 tuổi)
Câu 1 ( 2,0 điểm): Khi xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động trong nhóm, lớp giáo viên cần thực hiện theo các nguyên tắc nào? Theo đồng chí phải sắp xếp bố trí môi trường hoạt động cho trẻ tại nhóm, lớp mình phụ trách như thế nào cho phù hợp.
* Khi xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động trong nhóm, lớp giáo viên cần thực hiện theo các nguyên tắc sau: (1,0 điểm)
1. Kế hoạch xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động phải cụ thể và được tiến hành theo từng chủ đề
2. Việc xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ hoạt động phải được tiến hành trong suốt thời gian thực hiện chương trình CSGD trẻ
3. Môi trường có không gian; cách xắp xếp phù hợp, gần gũi quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ; phản ánh kinh nghiệm văn hóa của địa phương; luôn thay đổi để tạo ra sự hấp dẫn mới lạ đối với trẻ.
4. Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi có màu sắc – hình dạng, kích thước, chức năng sử dụng phù hợp, hứng thú đối với trẻ; được bảo dưỡng giữ gìn sạch sẽ luôn tạo sự hấp dẫn đối với trẻ, tránh ồ ạt đồ dùng đồ chơi vào cùng một lúc.
5. Tận dụng và khai thác triệt để tác dụng giáo dục của môi trường hoạt động, tránh tình trạng lãng phí công sức, thời gian.
6. Tôn trọng nhu cầu, sở thích và có tính đến khả năng của mỗi trẻ.
* Liên hệ việc sắp xếp bố trí môi trường cho trẻ hoạt động tại nhóm, lớp mình phụ trách cho phù hợp (có ví dụ minh họa): 1,0 điểm, Gợi ý:
- Đối với mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi):
+ Tạo khoảng không gian phù hợp cho các khu vực hoạt động trong lớp. 
+ Tranh mảng tường có bố cục phức tạp hơn và có tác dụng cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cho trẻ. Tranh treo vừa tầm, gợi mở cho trẻ cách thức hoạt động.
+ Số lượng góc chơi cần bố trí nhiều hơn ở lứa tuổi mẫu giáo bé (4-5 góc chơi), các góc chơi đa dạng
+ Các kệ giá đồ chơi có bánh xe, cao hơn lớp mẫu giáo bé.
+ Đồ chơi cho trẻ phải để ở dạng rời, dạng mở (không có sẵn) để kích thích tính tò mò, thích khám phá của trẻ. Kích cỡ đồ chơi vừa tay trẻ, to hơn so với mẫu giáo bé. Đồ chơi phải theo chủng loại, có ký hiệu/ tên riêng. Các chữ viết đúng, hấp dẫn và ý nghĩa.
+ Chủng loại đồ chơi nhiều nhưng số lượng đồ chơi của mỗi loại ít hơn mẫu giáo bé vì trẻ có thể phối hợp chơi chung một bộ đồ chơi.
+ Trẻ tham gia làm đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh cùng cô.
+ Tạo không gian cần thiết để trẻ có thể thiết lập dễ dàng những mối quan hệ trong khi chơi.
+ Thường xuyên thay đổi cách trang trí, sắp xếp các góc chơi tạo sự hấp dẫn, mới lạ đối với trẻ 
Đối với trẻ lớp mẫu giáo lớn (5-6 tuổi):
 + Tạo khoảng không gian phù hợp cho các khu vực hoạt động trong lớp. 
+ Trẻ có thể tham gia làm tranh mảng tường, album ảnh, tự làm đồ dùng, đồ chơi và hiểu được ý nghĩa của những công việc này.
+ Số lượng góc chơi cần bố trí nhiều hơn lớp mẫu giáo nhỡ. Góc chơi cỉa trẻ đa dạng, nội dung chơi trong các góc thể hiện đa dạng nhiều mặt của cuộc sống. Nên có thêm góc để trẻ có thể thư giãn hoặc thực hiện ý tưởng riêng của mình.
+ Chủng loại đồ chơi nhiều hơn MG nhỡ, nhưng số lượng đồ chơi mỗi loại ít hơn. Đồ chơi gồm nhiều chi tiết ở dạng rời (không có sẵn).
+ Tạo môi trường chữ viết phong phú đối với trẻ để chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một.
	+ Thường xuyên thay đổi cách trang trí, sắp xếp các góc chơi tạo sự hấp dẫn, mới lạ đối với trẻ.
Câu 2 (3,0 điểm): Đồng chí hãy nêu nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mẫu giáo và những điểm cần lưu ý khi giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ?
* Nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mẫu giáo (1.5điểm):
- Dạy trẻ cách rửa mặt, rửa tay chân, đánh răng, chải đầu, mặc quần áo gọn gàng, sạch sẽ.
- Giáo dục trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn; thích tắm gội sạch sẽ, rửa mặt rửa tay trước khi đi ngủ, đánh răng sau khi ăn các bữa chính, buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi ngủ dậy.
- Dạy trẻ biết chùi mũi bằng khăn, khi ho và khi hắt hơi dùng khăn hoặc dùng tay che miệng. Không khạc nhổ bừa bãi ra lớp. đi đại, tiểu tiện phải vào nhà vệ sinh.
- Giáo dục trẻ thói quen đi giày dép khi đi ra đường, đội mũ khi ra ngoài nắng.
- Giáo dục trẻ thói quen uống nước đun sôi để nguội, nước các loại rau quả, hạn chế các loại nước ngọt có gas.
- Giáo dục trẻ bất cứ làm việc gì có rác, bụi bẩn ở bàn ghế , sàn nhà như cắt xén giấy, gọt bút chì, chơi trò chơi cần giáo dục trẻ biết tự mình quét dọn, sau khi làm xong và đem bỏ vào sọt rác, không vứt bừa bài ra xung quanh. Biết dọn dẹp đồ dùng, cất đồ chơi cẩn thận vào nơi quy định sau khi dùng hoặc chơi xong.
- Giường chiếu, tủ đồ chơi, giá khăn mặt, giá để ca cốcphải luôn giữ gọn gàng ngăn nắp.
* Những điểm cần lưu ý khi giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ (1,5 điểm)
	- Thường xuyên giáo dục thói quen vệ sinh: Muốn gây thói quen cho trẻ không phải chỉ một hai ngày mà làm được, mà phải có quá trình nhắc nhở, thực hành, rèn luyện và duy trì thường xuyên. Cô giáo phải gương mẫu làm rồi mới nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra trẻ làm. Không nên mỗi cô dạy một cách, nên thống nhất phương pháp giáo dục. Không nên nhân nhượng, buông lỏng đối với trẻ, nhưng cũng không nên giáo dục bằng những câu nói, cử chỉ mang tính dọa nạt khiến trẻ vì sợ cô mà phải làm, đó không phải là điều kiện để hình thành phản xạ có điều kiện bền vững như mong muốn đối với trẻ. Nên giáo dục thường xuyên, giáo dục vì sao phải rửa tay sạch để trẻ có thể hiểu được bằng những câu nói đơn giản, lời động viên, khích lệ nhẹ nhàng.
- Sự gương mẫu của người lớn: Đặc điểm của trẻ là hay bắt chước những hành động cũng như lời nói của người lớn, vì vậy muốn giáo dục trẻ phải làm một việc gì, người lớn phải làm việc đó.
- Giáo dục vệ sinh cá nhân kết hợp lồng ghép với mọi hoạt động của trẻ, thông qua các bài thơ, bài hát, câu chuyện dễ nhớ hoặc từ hiện tượng thực tế.
- Thường xuyên có ý thức duy trì vệ sinh sạch sẽ nhà ở, môi trường xung quanh trẻ. Các lớp học phải có chế độ vệ sinh thường xuyên, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng giáo viên trong lớp như: mở cửa thông thoáng phòng, lau nhà
- Cần tạo môi trường đầy đủ thuận lợi để việc giáo dục thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ đạt hiệu quả cao.
Câu 3 (3,0 điểm): Giao tiếp có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển nhân cách của trẻ? Đồng chí đã sử dụng những biện pháp nào để giáo dục phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, liên hệ thực tế.
* Ý nghĩa của giao tiếp trong sự phát triển nhân cách của trẻ? (1 diểm)
- Giao tiếp là một trong những nhu cầu đặc trưng xuất hiện sớm nhất ở con người, không có giao tiếp trẻ không thể trở thành con người bình thường. Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người.
- Thông qua giao tiếp trẻ lĩnh hội những được kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người, biến những vốn sống và kinh nghiệm đó thành vốn sống và kinh nghiệm của bản thân, hình thành và phát triển đời sống tâm lý, góp phần vào sự phát triển văn hóa – xã hội chung.
- Thông qua giao tiếp trẻ học cách đánh giá hành vi, thái độ, lĩnh hội các chuẩn mực xã hội, kiểm tra và vận dụng các tiêu chuẩn đó vào trong cuộc sống.
- Thông qua giao tiếp, trẻ không chỉ có cơ hội nhận thức người khác mà còn có thể nhận thức chính bản thân mình, đối chiếu những gì trẻ nhận thấy ở người khác và ở bản thân từ đó dần tạo nên ở trẻ những thái độ nhất định.
 * Biện pháp để giáo dục phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, liên hệ thực tế? (2,0 điểm)
- Sử dụng trò chơi đóng vai để tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào nói chuyện theo nhóm.
- Tổ chức các cuộc nói chuyện về chủ đề trẻ quan tâm. Đối với trẻ 4-6 tuổi khuyến khích trẻ nói về các bức ảnh,tranh mà trẻ sưu tầm.
- Tạo điều kiện để trẻ nói về bản thânvới những trẻ ở nhóm lớp khác hoặc ở nơi khác.
- Tổ chức cho trẻ giao tiếptrong các cuộc tham quan(công viên,bưu điện,siêu thị cửa hàng sách, sở thú , cánh đồng rau, trường tiểu học, doanh trại bộ đội)
- Hỏi trẻ những câu hỏi để trẻ có thể tự trá lời theo cách của trẻ. Hạn chế sử dụng câu hỏi trẻ trả lời ‘đúng-sai,có-không’’ (câu hỏi đóng). 
- Tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi sử dụng cơ thể để thể hiện nội dung muốn nói.
- Khuyến khích trẻ tự nói, tự kể một nội dung dài 7-8 câu kèm theo cử chỉ, điệu bộ hay hành động.
- Tổ chức các hoạt động trò chơi sử dụng giấy bút,các mẩu tin trong nhóm : Làm sách,viết, đọc các mẩu tin, thư cho trẻ xem.
* liên hệ thực tế : Đúng trọng tâm, hợp lý 
Câu 4 (2,0 điểm): Đồng chí hãy cho biết những yêu cầu chuẩn bị khi tổ chức một giờ thể dục, thuộc lĩnh vực phát triển thể chất ở lứa tuổi mình phụ trách? 
- Chuẩn bị kế hoạch hoạt động (giáo án) : Giáo viên phải nắm được toàn bộ mục đích, yêu cầu, nội dung vận động cần hình thành, rèn luyện cho trẻ trên giờ học, các phương pháp, hình thức tổ chức tổ chức phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Dự kiến trước những tình huống sảy ra và cách giải quyết, xác định những cháu nào còn yếu kém không theo kịp tiến độ chung để lựa chon biện pháp hỗ trợ.
- Phương tiện, đồ dùng, dụng cụ luyện tập cho cô và trẻ trên giờ học phải phù hợp về kích thước, đảm bảo vệ sinh, an toàn, thẩm mỹ và mang tính giáo dục. Trang phục của cô giáo và trẻ phải gọn gàng, thoải mái, phù hợp với thời tiết và tính chất của vận động cần thực hiện.
- Phải dự kiến vị trí tổ chức giờ thể dục bên trong hay bên ngoài lớp học, diện tích, độ ầm, độ chiếu sáng, tiếng ồncũng như dự kiến việc bố trí, sắp đặt đồ dùng, dụng cụ tập luyện thuận lợi cho cô và trẻ khi sử dụng. Giáo viên cần chuẩn bị phương án dự phòng.
- Đảm bảo thời gian tổ chức giờ học cũng như việc thực hiện nội dung vận động của từng phần phù hợp với yêu cầu của độ tuổi.
=========Hết========

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_GVG_tinh_bac_ninh_khoi_mam_non_2015.doc